Viện kiểm sát TP Vị Thanh (Hậu Giang) vừa có cáo trạng truy tố bà Phạm Thị Thu Tùng (43 tuổi) - nguyên kiểm sát viên VKSND TP Vị Thanh về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trước đó, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho VKSND TP Vị Thanh ra cáo trạng.
Theo hồ sơ, cuối năm 2010, công an bắt Nguyễn Thị Hiền và chín người khác về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình điều tra vụ án, công an khám xét, thu giữ một số tài sản không rõ nguồn gốc hợp pháp của Hiền gồm vàng trắng, vàng SJC, USD… và số vật chứng này được định giá là gần 310 triệu đồng.
Tháng 7-2011, công an chuyển hồ sơ, đề nghị VKS truy tố 10 bị can và đề nghị tịch thu sung công quỹ đối với số tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp trên. Sau khi nhận lại hồ sơ từ VKS để điều tra bổ sung, công an ra kết luận mới gửi VKSND TP Vị Thanh, tiếp tục đề nghị truy tố 10 bị can và đề nghị tịch thu sung công quỹ số tài sản thu giữ...
Được phân công kiểm sát điều tra vụ án, lúc này kiểm sát viên Tùng không yêu cầu công an xác minh vật chứng là tài sản thu giữ của bị can Hiền mà tự mình lập biên bản, xác định thông tin về tài sản. Bà này đến văn phòng của luật sư bào chữa cho bị can Hiền, giả mạo hai biên bản lấy lời khai nhân chứng để hợp pháp số tài sản thu giữ rồi đưa vào hồ sơ. Có các biên bản giả mạo, bà Tùng đề xuất cho viện trưởng VKSND TP Vị Thanh trả lại tài sản có nguồn gốc bất chính cho bị can Hiền. Căn cứ vào quyết định trả tài sản của VKS, tháng 10-2011 công an đã trả tài sản cho con gái của bị can Hiền.
Ngoài chuyện lập biên bản sai để trả tài sản bất minh cho bị can, trong quá trình thụ lý bà Tùng còn đề xuất cho tại ngoại nhiều bị can sai luật, chuyển khung hình phạt “có vấn đề”.
Cụ thể, một ngày sau khi nhận hồ sơ từ tòa án với yêu cầu làm rõ thêm một số hành vi của các bị can, bà Tùng đề xuất viện trưởng cho tại ngoại bốn bị can, hạ khung hình phạt từ khoản 2 xuống khoản 1 của tội mua bán trái phép chất ma túy (mức án nhẹ hơn). Chưa hết, đến ngày 20-1-2012, Tùng đề xuất cho bị can Hiền tại ngoại và được viện trưởng đồng ý. Khi được ra ngoài, Hiền đem bán số tài sản mà công an trả lại tiêu xài.
Sau khi cho năm bị can tại ngoại, trả vật chứng của vụ án, VKS chuyển hồ sơ sang tòa án. Thấy các bị cáo tại ngoại bất thường, vật chứng bị trả lại, tòa đã ra lệnh bắt tạm giam năm bị cáo, tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Nhận lại hồ sơ, bà Tùng lại đề xuất cho bốn bị can tại ngoại (trừ bị can Hiền) và cũng được viện trưởng đồng ý.
Sau khi công an trả lại hồ sơ, VKS ra cáo trạng và chuyển sang tòa. Lần nữa, tòa lại ra lệnh bắt giam bốn bị cáo mà bà Tùng đã đề xuất cho tại ngoại. Đến “nước” này, viện trưởng mới quyết định thay đổi kiểm sát viên, đồng thời rút cáo trạng và thay bằng cáo trạng mới, truy tố 10 bị can theo khoản 2 của tội mua bán trái phép ma túy như kết luận điều tra ban đầu của công an và tòa đã xử phạt các bị cáo theo khung hình phạt này.
GIA TUỆ
Viện trưởng non yếu kinh nghiệm! Lý giải việc trả tài sản, bà Tùng khai rằng làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đồng Khởi, Viện trưởng VKSND TP Vị Thanh, vì ông này hứa giúp đề bạt bà Tùng làm phó viện trưởng và gia đình bị can Hiền sẽ bồi dưỡng. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra cho đối chất, bà Tùng không đưa ra chứng cứ nào cho lời khai của mình nên cơ quan điều tra không có căn cứ kết luận. Về những đề xuất cho bị can tại ngoại bất thường cũng như trả lại tài sản sai của bà Tùng, ông Khởi nhận là mình non yếu kinh nghiệm nên ký quyết định không phù hợp với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Với việc “non yếu kinh nghiệm” này, ông Khởi đã bị kỷ luật khiển trách về mặt đảng và chính quyền. |