Đổ rác được nhận… dầu ăn, nước mắm

Chương trình Phân loại chất thải rắn tại nguồn thuộc dự án Khu phố xanh bắt đầu triển khai từ năm 2013 với hơn 100 hộ dân tham gia thí điểm. Tới nay, dự án đã được mở rộng cho gần 2.000 hộ dân tiếp cận.

Sau thất bại, làm lại từ đầu

Phân loại chất thải rắn tại nguồn không còn là cụm từ xa lạ với người dân TP.HCM. Giai đoạn 2005-2006, chương trình từng triển khai ở quận 5, quận 6. Nhưng do sự đầu tư thiếu đồng bộ, rác sau khi được người dân phân loại lại đem đi chôn lấp chung với nhau. Dần dà chương trình chìm vào quên lãng.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM là một trong những đơn vị được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác. “Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong công ty luôn đau đáu về nhiệm vụ này. Tìm hiểu kỹ, chúng tôi thấy việc phân loại rác tại nguồn vẫn có thể thực hiện được nên quyết định thuyết phục lãnh đạo cho thực hiện lại chương trình” - anh Cao Văn Tuấn, Phó Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp TP.HCM, Bí thư Đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho hay.

Tháng 12-2013, chương trình tái xuất và được thí điểm ở đường Độc Lập, quận Tân Phú với 120 hộ dân. Nhưng sau ba tháng, chương trình tiếp tục thất bại. Các đoàn viên, thanh niên liền chia nhau đến gõ cửa từng nhà hỏi cặn kẽ lý do người dân không tham gia chương trình. Tới lúc đó mọi người mới vỡ lẽ: Họ đã chưa làm tốt bài toán kinh tế và công tác truyền thông.

Theo anh Cao Văn Tuấn, nhiều hộ dân cho rằng mình không có quyền lợi gì khi tham gia chương trình này. Trong khi thực tế những loại rác có khả năng tái chế vẫn được nhiều hộ giữ lại để bán ve chai. “Nghe vậy, chúng tôi nghĩ tới việc quy đổi lượng rác vô cơ thành điểm tích lũy. Từ số điểm tích lũy được, người dân có thể đổi quà là những sản phẩm gia dụng” - anh Tuấn cho biết.

Thế là từ đó, nhân viên vệ sinh của công ty hằng tuần ghi lại lượng rác vô cơ thu gom được tại từng hộ gia đình, quy đổi ra điểm, mỗi điểm tương ứng 1.000 đồng. Tùy theo điểm tích lũy, người dân sẽ được đổi dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bột nêm, mũ bảo hiểm, phiếu mua hàng trong siêu thị...

Các đoàn viên đang vận động người dân tham gia chương trình Phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ảnh: H.VI

Cần cộng đồng giúp sức

Nhiều người dân trên đường Độc Lập cho biết hiện họ đã thuần thục cách phân loại: Rác thực phẩm cho vào bao xanh; rác giấy, thùng xốp... bỏ vào bao màu vàng. Chị Lê Thị Mộng Thu, ngụ đường Độc Lập, cho biết: “Dù mất chút xíu thời gian phân loại nhưng bù lại được nhận quà, thấy vui lắm!”.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng giá quy đổi rác ra điểm tích lũy chưa sát thực tế, việc thu gom rác một lần/tuần chưa hợp lý với những hộ kinh doanh có số lượng rác phát sinh lớn. Theo anh Cao Văn Tuấn, sau khi tiếp nhận các ý kiến trên, đoàn công ty có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Anh Tuấn cũng chia sẻ do chương trình mang tính công ích xã hội là chính, vì vậy công ty luôn mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, từ cơ quan quản lý nhà nước để có thể nhân rộng chương trình có ý nghĩa này.

Từ một tuyến đường khởi đầu, chương trình đã lan tỏa đến các tuyến khác như Lê Khôi, Lê Lư, Tân Sơn Nhì (thuộc các phường Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú). Tháng 7-2014, chương trình tiếp tục được thực hiện tại chung cư Tây Thạnh với 950 hộ dân. Sau đó người dân trên các tuyến đường Cây Keo, Trần Hưng Đạo (quận Tân Phú) và Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng tham gia chương trình.

Hữu cơ bao xanh, vô cơ bao vàng

Rác hữu cơ được cho vào bao xanh, thu gom hằng ngày và đưa về Công ty Vietstar (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc) sản xuất phân compost. Rác vô cơ cho vào bao màu vàng, được thu gom đưa về trạm phân loại của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phân loại một lần nữa. Những loại rác có khả năng tái chế sẽ được làm sạch rồi cung cấp cho các đơn vị tái chế. Phần rác không tái chế được sẽ đưa đi đốt hoặc chôn lấp. Việc thu gom rác vô cơ được thực hiện mỗi tuần một lần, riêng chung cư Tây Thạnh được lấy rác mỗi ngày.

Dự án Khu phố xanh là một sáng kiến rất phù hợp trong tình hình nhiều người còn tâm lý cứ bỏ hết rác thải ra đường vì đã có nhân viên vệ sinh đi dọn dẹp. Tôi đã được tình nguyện viên tư vấn rất cụ thể thế nào là chất thải vô cơ, hữu cơ, loại nào có thể tái chế… để từ đó có cách phân loại phù hợp.

Chị NGUYỄN THỊ THANH TÂM,
ngụ đường Độc Lập, quận Tân Phú

Dự án Khu phố xanh nên được nhân rộng ra khắp TP để các khu phố khác cùng tham gia hưởng ứng. Nếu các quận đồng loạt thực hiện, chắc chắn việc phân loại rác tại nguồn sẽ đạt hiệu quả hơn.

Anh TRỊNH VĂN THANH,
ngụ đường Độc Lập, quận Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.