Bạch khổng tước Ấn Độ bay vào nhà dân ở TP Thủ Đức xuất phát từ đâu?

(PLO)- Theo Kiểm lâm TP.HCM, con công Ấn Độ, hay còn gọi là khổng tước bay vào nhà dân ở TP Thủ Đức có thể do ai đó nuôi nhốt và sơ suất sổng ra ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, con công Ấn Độ được chị Lê Thị Phương (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) bàn giao cho đơn vị hiện ăn uống và sức khỏe tốt.

Đây là con công trắng hay còn gọi là bạch khổng tước Ấn Độ bay vào nhà chị gái của chị Phương trên địa bàn TP Thủ Đức hôm 20-4.

Bạch khổng tước Ấn Độ bay vào nhà dân ở TP Thủ Đức xuất phát từ đâu
Con công Ấn Độ hiện sức khỏe rất tốt. Ảnh: HT

Trao đổi với PV, chị Phương cho biết, trưa ngày 20, khi đóng cửa ban công ở tầng ba ngôi nhà ở gần Chợ Đầu mối Thủ Đức để chuẩn bị đi ngủ thì người chị gái phát hiện con chim lạ, màu trắng rất đẹp đậu gần đó.

Chị của chị Phương đẩy cho con chim bay đi nhưng con chim không bay. “Giống như nó bị mệt hay đói gì đó không bay đi” – chị Phương thuật lại.

Con chim công sau đó được bắt lại. Gia đình chị Phương tìm hiểu thì biết đây là chim công trắng hay còn gọi là bạch khổng tước.

Bạch khổng tước Ấn Độ bay vào nhà dân ở TP Thủ Đức xuất phát từ đâu
Đây là loài công Ấn Độ hiện được một số người dân nuôi nhốt, cho sinh sản. Ảnh: HT

Gia đình chị Phương liền liên hệ với Thảo Cầm Viên Sài Gòn để gửi gắm, mong muốn nơi này tiếp nhận chăm sóc con chim và được thông tin những trường hợp này phải liên hệ Kiểm lâm TP.HCM để bàn giao.

Do lo sợ con công sẽ yếu nên gia đình chị Phương đã cùng nhau mang con chim đến Trạm Cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) để bàn giao Cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM với mong muốn con vật được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn.

Chị Phương cho biết chị gái mình ở nhà phố, gần Chợ đầu mối Thủ Đức, xung quanh không có ai nuôi nhốt công hay trang trại nuôi công nào.

“Con công này khả năng ai đó nuôi nhốt sao đó rồi không cẩn thận để nó bay đi mất. Khi nó mệt thì sà vào nhà chị tôi để nghỉ. Sau khi bắt được, gia đình có cho công ăn trái cây nhưng nó không ăn, sau mới biết nó ăn dế và các loại hạt” – chị Phương kể.

Được biết, đây là loại chim được gây nuôi công nghiệp trong nhiều năm qua ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM.

Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, công Ấn Độ (tên khoa học là Pavo cristatus), thuộc phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Loài công Ấn Độ này không phải là động vật bản địa của Việt Nam mà du nhập từ nước ngoài vào, thuộc phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nên người dân nuôi nhốt đều phải đăng ký với cơ quan chức năng.

“Ở TP.HCM cũng có một số người nuôi nhốt loại công này để làm cảnh, sinh sản. Con công này có thể do ai đó nuôi nhốt và sổng ra bên ngoài” – một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm