Bị trời phạt nên có cánh tay vượn?

“Mẹ ơi, cái bớt đầy lông của con mất tiêu rồi. Giờ con không phải xấu hổ khi ra đường nữa” - vừa soi gương, cháu LTNA (bảy tuổi, ở Thanh Hóa) vừa nói.

Từ “lọ lem” thành “công chúa”

Kéo vạt áo chậm nước mắt, chị ĐTM (mẹ cháu LTNA) sụt sùi kể cách đây bảy năm, chị mang song thai. Chị M. đã có một con trai nên thầm mong hai đứa con sắp ra đời là gái. Do vậy, chị mừng rơn khi nghe bác sĩ (BS) đỡ sinh cho biết hai bé vừa chào đời là con gái.

“Câu “trời không cho ai tất cả” có lẽ đúng với hoàn cảnh của tôi. A - một trong cặp song sinh từ lúc chào đời đã mang vết bớt khá lớn kèm nhiều lông tơ che gần kín nửa khuôn mặt trái. Tôi đau quặn ruột những lúc nhìn con” - chị M. tâm sự.

A. càng lớn, vết bớt trên khuôn mặt càng đen sì và dày thêm, lông cứng và dài ra. Chị M. đưa con đi nhiều bệnh viện nhưng chỉ nhận được cái lắc

 đầu. Để con không xấu hổ khi ra đường và đến trường, chị M. nuôi dài mái tóc của A. để che vết bớt trên mặt nhưng vết bớt nhiều lúc cũng lộ ra khiến không ít người săm soi, chỉ trỏ. “Nhiều lần A. khóc và đòi nghỉ học vì mặc cảm. Vợ chồng tôi cố gắng khuyên nhủ và thay nhau đưa rước. Cô giáo trong lớp cũng đặc biệt quan tâm nên A. mới chịu đến lớp” - chị M. cho biết.

Biết được tình trạng của A., người quen ở TP.HCM khuyên chị M. đưa cháu đến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM để được điều trị vết bớt. Sau khi khám, BS cho biết A. bị mảng u sắc tố và sẽ được BV phẫu thuật miễn phí. “Sau ca mổ dài hai giờ, tôi không tin vào mắt mình khi vết bớt đầy lông trên khuôn mặt con tôi đã mất. Thật không thể nào nói hết nỗi vui mừng!” - chị M. nghẹn ngào chia sẻ.

Cháu THYN với “cánh tay vượn”. Ảnh: XUÂN THÙY

Mảng u sắc tố chiếm nửa khuôn mặt trái của cháu LTNA. Ảnh: XUÂN THÙY

Hết buồn tủi bởi “cánh tay vượn”

Xòe bàn tay năm ngón xinh xắn, cháu THYN (bảy tuổi, ở Bình Thuận) khoe bằng giọng ngây ngô: “Chú ơi, bàn tay con hết đen rồi. Sắp tới BS sẽ cắt bỏ những phần đen còn lại. Vậy sau này con được mặc áo ngắn tay rồi”.

Đưa cặp mắt trìu mến nhìn con, chị ĐHT (30 tuổi, mẹ cháu THYN) nói: “Tôi cứ tưởng N. sẽ mang “cánh tay vượn” suốt đời. May mắn là BS của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM đã trả lại con tôi cánh tay bình thường như bao trẻ khác”.

Chị T. kể vừa sinh xong, chị bàng hoàng khi thấy mảng đen kéo dài từ khuỷu đến mu bàn tay phải của con, phần trên mọc đầy lông. Mỗi năm mảng đen trên tay N. càng dày, lông cũng nhiều thêm.

“Tôi đau quặn lòng khi nghe tiếng bấc tiếng chì: Không biết vợ chồng ăn ở sao mà sinh con có “cánh tay vượn”, nhìn thấy ghê. Sợ con mặc cảm, tôi phải may áo dài tay cho N. mặc để giấu cánh tay xấu xí” - chị T. nói.

Biết được BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng có chương trình phẫu thuật miễn phí những trường hợp bị mảng đen trên người, vợ chồng chị T. bỏ hết công chuyện đưa N. đến TP.HCM. “Nghe BS nói vợ chồng tôi mới biết N. bị mảng u sắc tố. Để đảm bảo sức khỏe cho N., các BS chỉ phẫu thuật mảng đen ở mu bàn tay trước, rồi mới xử lý tiếp những phần còn lại. Vợ chồng tôi mừng phát khóc khi BS nói cánh tay con tôi sẽ trắng trẻo bình thường sau khi dứt các đợt phẫu thuật” - chị T. xúc động nói.

U sắc tố không nên để lâu

U sắc tố hình thành do những bất thường của tế bào sắc tố da và được xem là u lành. Tuy nhiên, để càng lâu sẽ có nguy cơ ác tính hóa. Hằng năm, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM kết hợp tổ chức ReSurge International (Mỹ) thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí u sắc tố cho các cháu. Đây là hoạt động mang đầy tính nhân văn.

Ngoài mang lại thẩm mỹ cho các cháu, phẫu thuật cắt bỏ u sắc tố còn nhằm mục đích loại bỏ u ác tính về sau. Do vậy không chỉ cắt bỏ mảng u sắc tố, các BS còn cắt bỏ một phần mô lành xung quanh để giảm tỉ lệ tế bào gây hại còn sót lại xuống mức thấp nhất.

Độ rộng và chiều sâu của lớp da xung quanh cần cắt bỏ phụ thuộc vào độ dày của u sắc tố và độ sâu u sắc tố xâm nhập vào da. Nếu phẫu thuật cắt bỏ mảng lớn u sắc tố thì phải thực hiện song song công đoạn ghép da (trường hợp cháu A. và cháu N. - PV). BS lấy da ở bộ phận khác của cơ thể (đùi, bụng…) để thay thế lớp da đã cắt bỏ.

BS ĐỖ TRỌNG ÁNH, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM

_____________________________

Theo y văn, u hắc tố da hay còn gọi là nốt ruồi hắc tố bẩm sinh xuất hiện với tỉ lệ 1/20.000 trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/500.000 dạng nặng như trường hợp của hai bệnh nhi trong bài. Đây là dạng u hắc tố lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ và tâm lý. Do vậy, khi phát hiện, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện điều trị trước tuổi đi học để tránh mặc cảm cho bé.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.