Sáng 21-4, BV Sài Gòn ITO đã tiến hành phẫu thuật tách dính các ngón tay cho bệnh nhi Bùi Hà Minh Anh (bảy tuổi, Bình Thuận).
Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong vi phẫu nhưng BS Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật bàn tay, BV Sài Gòn ITO - phẫu thuật viên chính của ca mổ, vẫn có cảm giác lo lắng. Theo BS Anh, mặc dù hình ảnh X-quang rất rõ nhưng khi mổ, nếu cảm thấy có đụng chạm ảnh hưởng đến mạch máu nuôi thì ca mổ sẽ dừng ngay tức khắc vì có thể sẽ gây hoại tử và hư bàn tay của bé.
Mẹ lấy búa đập tay con ra đi!
Gọi là bàn tay, bàn chân nhưng từ khi sinh ra, các chi của bé túm rụm không có ngón và chẳng ra hình thù gì. Ngoài ra, bé còn bị dị tật hở hàm ếch, lệch đầu và mắt lồi bất thường.
Chị Phạm Thị Loan, mẹ bé Minh Anh, có mặt cùng con trong phòng tiền phẫu. Đứng sau lưng các bác sĩ, người mẹ hình dáng nhỏ thó khép nép, lắm lúc người run lên vì vui sướng xen lẫn lo lắng.
Chị bảo bé là con thứ ba, hai người anh của bé đứa 12 và 14 tuổi. Vui mừng vì nhà có đứa con gái nhưng niềm vui chợt tắt trong sợ hãi vì con gái có hình hài bất thường. Gia đình gần như suy sụp. Suốt bảy năm qua, chị không ngớt lo lắng. Lo cho con hòa nhập cộng đồng, lo con tự ti mặc cảm… Nỗi lo ngày càng tăng lên khi bé đến tuổi đi học mà gia cảnh nghèo khó không đủ khả năng đưa con đi khám, làm phẫu thuật. Mấy năm trước, một tổ chức ở Bình Thuận có hứa sẽ đưa bé đi khám và mổ do một tổ chức nước ngoài tài trợ. Nhưng chờ hoài không thấy họ liên lạc lại.
“Khi bé đi học mẫu giáo, các cô thấy quá xót xa. Cô giáo chụp ảnh gửi các tổ chức xã hội mong có ai đó giúp đỡ. Rồi cũng có nơi giúp dẫn bé đi khám xem có mổ được không. Thứ Tư tuần rồi đi khám về, người ta bảo làm giấy tờ hộ cận nghèo... để nộp làm thủ tục. Rồi bỗng dưng có người từ TP.HCM gọi vào mổ chứ không cần tiền bạc gì hết” - chị Loan vui mừng nói.
Nhớ lại lúc sinh con, chị Loan bảo bé mềm nhũn, thân người với đầu dính nhau mà chẳng thấy cổ. Ngày nào cũng nắn bóp. Tám tháng bé ngóc đầu được và lật, sau đó là ngồi, lết. Điều kỳ diệu là sau 18 tháng bé đứng dậy và tự đi luôn dù bàn chân không lành lặn.
Bị hở hàm ếch, bé mặc cảm với bạn bè ở mẫu giáo vì đọc không thể tròn chữ. Lúc vào lớp 1, cô giáo bảo cho nằm ngoài danh sách. Nhưng khi học bé đọc được chữ cái, làm toán được nên cô cho vào danh sách chính thức. Ban đầu đi học bị bạn bè chọc nhìn giống ma nhưng dần dà các bạn cũng quen và chơi với bé. Lúc bé lơ là không chịu viết bài do tập viết quá khó, mẹ bảo: “Nếu không học mai mốt làm gì?”, bé trả lời: “Mẹ sinh con ra như vậy làm sao con biết, mẹ lấy búa đập tay con ra, lấy dao xẻ tay con ra đi!”. Những lúc thế này chị chỉ biết ôm con, nước mắt lưng tròng.
Các y, bác sĩ vừa cho bệnh nhi xem phim hoạt hình Doremon vừa lấy ven đường truyền. Ảnh: TÙNG SƠN
Thêm một câu chuyện cổ tích
Chị Loan cho biết sau vài lần đi khám trước đây bé bỗng sợ bác sĩ. Nhưng từ ngày gặp BS Xuân Anh về bé thay đổi khác biệt, vui vẻ và tự tin hơn. Sáng hôm qua, mạnh thường quân vào đóng tiền cho bé mổ, bé ôm lấy mẹ kêu lên: “Đã quá, từ mai con có ngón tay rồi!”. “Gia đình bây giờ rất mừng, hạnh phúc. Chỉ biết nói lời cảm ơn các bác sĩ và mạnh thường quân” - chị Loan chia sẻ.
Trước đó, thấy bệnh nhân nghèo khám không hẹn ngày trở lại, BS Nguyễn Xuân Anh đoán chắc gia đình nghèo không có tiền. Ông bèn thông qua Facebook, nhắn tin tìm người mẹ và mời chị đưa con đến BV Sài Gòn ITO để khám, điều trị miễn phí. (Trị giá ca mổ lần đầu tiên này là 40 triệu đồng, do một mạnh thường quân giấu tên tài trợ - PV). “Để phẫu thuật hoàn chỉnh, bé phải trải qua hơn 20 ca mổ, trong đó có mở hộp sọ rộng ra thêm, chỉnh hình hàm mặt...” - BS Xuân Anh nói. Còn với bệnh nhi Minh Anh, ông sẽ làm hết trong khả năng có thể.
Trong cuộc mổ lần này, bác sĩ sẽ tách dính ngón cái và ngón út, tạo hình hai ngón này và ghép da. Ưu tiên tách ngón út và ngón cái vì các ngón kia dính chùm, nếu tách ra cũng không có chức năng. Cái khó nhất lúc phẫu thuật là bảo vệ các mạch máu nuôi dưỡng ngón, tránh nguy cơ hoại tử về sau. Hơn nữa, do gia đình để quá lâu không điều trị nên xương và khớp đã cứng, nếu làm 1-2 năm đầu đời của bé khi xương cơ còn mềm, sụn tăng trưởng còn tốt thì sẽ thuận lợi hơn.
Theo BS Xuân Anh, bàn tay trái (tay thuận của bé) mổ thành công có thể làm cho cuộc sống của bé tốt hơn, sinh hoạt thuận lợi. Sáu tháng sau sẽ làm tiếp bàn tay phải. Riêng về chân, bé vẫn chạy nhảy được bình thường nên bác sĩ để vậy, chưa cần thiết phải mổ. Vì mổ nếu xảy ra tai biến, biến chứng sẽ rất nguy hiểm.
Bàn tay ba ngón đẹp xinh Sau hơn bốn giờ đồng hồ tỉ mỉ tách dính ngón tay cái với ngón trỏ, tách ngón út với ngón áp út, BS Xuân Anh và đồng nghiệp đã xẻ và tái tạo bàn tay vô hình thù thành ba ngón đẹp xinh. Những ngón giữa do mất chức năng nên các bác sĩ để dính nguyên. Sau đó các bác sĩ tiến hành lấy da từ bụng bệnh nhi để ghép vào phần bàn tay tách ra bị thiếu da, chờ hồi phục. Bên cạnh đó, kíp mổ dùng một cây đinh cố định để bàn tay bé xòe ra chứ không cho khép kín lại như cũ. Khi bàn tay, các ngón tay hoạt động tốt thì sẽ rút đinh ra. “Ca phẫu thuật đã thành công như ý” - BS Xuân Anh cho biết. Bệnh nhi Bùi Hà Minh Anh mắc bệnh đột biến gen, làm cho xương đóng sớm như xương hộp sọ, dị dạng hàm mặt, hở hàm ếch, dính chặt xương đầu ngón tay và chân. Bệnh nhân dính các ngón tay, chân lần này là trường hợp thứ ba gặp ở Việt Nam. Tỉ lệ mắc là 1/85.000 ca. |