Tiếng trống “cắc tùng cắc tùng tùng” vang vang khắp phố phường ở các quận 5, 6, 8, 10, 11 - những khu vực có đông người Hoa sinh sống... Tiếng trống múa lân, múa rồng rộn ràng mang thêm niềm vui cho mọi người. Nhất là đám trẻ con thường bao quanh các đám múa lân, múa rồng hoành tráng hoặc bám theo các đoàn múa lân nhỏ diễu khắp phố phường.
Từ sau thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân phát triển, trong những ngày Tết đến xuân về lại xuất hiện các đội múa lân nhỏ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỉ với bốn thanh thiếu niên, hai người khoác chiếc áo lân - người đầu người đuôi, một người mang mặt nạ ông địa cười toe toét và một người ôm trống gõ cắc tùng tùng đi từng hẻm phố, vào từng nhà múa và chúc lành cho gia chủ năm mới phát tài phát lộc.
Thường thì chủ nhà cũng lì xì cho đội lân nhưng ít nhiều tùy hỷ. Còn những đội lân sư rồng lớn thì thường là của các lò võ ở Chợ Lớn với hầu hết những người múa lân sư rồng đều là các võ sinh với sự chỉ đạo của một võ sư. Các lò võ nhân các ngày lễ, Tết là dịp múa biểu diễn lân sư rồng cạnh tranh ráo riết để khoa trương thanh thế và là cách quảng bá để thu hút học viên. Họ thường vừa múa vừa biểu diễn, nhất là tại các lễ khai trương đầu năm.
Muốn mời các đội lân sư rồng lớn múa khai trương đầu năm thường phải đặt chỗ từ trước Tết. Dĩ nhiên phải là các công ty, cửa hàng lớn thì đội mới nhận lời. Thường họ không đặt vấn đề tiền thù lao mà lì xì bao nhiêu là tùy gia chủ. Bao lì xì của gia chủ treo trên cao để lân trèo lên lấy, treo càng cao thì tiền càng nhiều. Những người múa lân võ nghệ đầy mình sẽ biểu diễn các bài Mai hoa thung leo và nhảy lên các cột cao rợn người, người yếu tim không dám xem.
Tết ở Chợ Lớn dĩ nhiên không chỉ có múa lân sư rồng mà còn là những lễ hội đầu xuân tại các đền chùa, miếu mạo. Miếu bà Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 được coi như nơi linh thiêng nhất đối với bà con người Hoa ở Chợ Lớn. Vào những ngày đầu xuân, nơi này lúc nào cũng ngập tràn khói hương với dòng người chen chúc đến lễ bái, cúng tế.
Chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1 cũng thu hút đông đảo bà con người Hoa đến chiêm bái đầu xuân, nhất là vào ngày vía Ngọc hoàng thượng đế mùng 9 tháng Giêng.
Đặc biệt Lăng Ông ở Bà Chiểu, Bình Thạnh là nơi thờ ông Lê Văn Duyệt, một vị công thần triều Nguyễn nổi tiếng thanh liêm, cương trực nhưng rất thương dân, người có công an định và gầy dựng vùng đất mới Nam bộ trở thành vùng đất trù phú và an bình.
Ngoài khách hành hương là người Việt ở Sài Gòn và các vùng lân cận đến Lăng Ông lễ bái, cầu xin may mắn đầu năm, Lăng Ông cũng là nơi đông đảo bà con người Hoa đến chiêm bái. Có lẽ do từ xa xưa tổ tiên họ đã truyền lại tiếng thơm công đức của tả quân nổi tiếng hào hiệp đối với những lưu dân người Hoa thủa mới chân ướt chân ráo đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp…