Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2017)

Nhà tưởng niệm liệt sĩ trong trụ sở Cảnh sát PCCC TP.HCM

Nằm tĩnh lặng bên góc trái khuôn viên tòa nhà chính của Cảnh sát PC&CC TP.HCM là nhà tưởng niệm liệt sĩ. Hai bên lối vào là đôi câu đối trang trọng: “Đời đời ghi nhớ ơn liệt sĩ. Mãi mãi khắc ghi tấm lòng vàng”.

Nhà tưởng niệm đặc biệt

Những cái tên Nguyễn Văn Mót, Nguyễn Văn Bảy, Võ Quang Hà, Trần Văn Bảy, Lê Văn Hà, Phạm Văn Sáu, Phạm Trường Huy đã trở thành huyền thoại. Trên bàn thờ, ngoài lư hương, đôi hạc, nhang… còn có chai rượu nếp, điếu thuốc… Mùi hương bảng lảng quyện cùng hương hoa sứ thoang thoảng khiến lòng người tĩnh lặng...

Thượng tá Võ Thanh Danh, Trưởng phòng Hậu cần Cảnh sát PC&CC TP.HCM, chia sẻ: Nhà tưởng niệm đã có từ lâu đời, xuất phát từ truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 – 27- 7-2009), Cảnh sát PC&CC TP.HCM đã tổ chức khánh thành nhà tưởng niệm liệt sĩ này. Tại đây, bảy cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đã được tưởng niệm ở vị trí tôn nghiêm nhất.

“Thường sáng 27-7 hằng năm, chúng tôi thành lập đoàn đại diện gồm ban giám đốc, các phòng nghiệp vụ khoảng 30-40 người xếp hàng trước nhà tưởng niệm để làm lễ tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Sau khi làm lễ, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị mời các thương binh, người nhà, thân nhân thương binh, liệt sĩ tới giao lưu, tặng quà. Ngoài ra, trước đó Cảnh sát PC&CC TP.HCM đã tổ chức thăm hỏi, đến viếng các gia đình liệt sĩ”.

Cha của liệt sĩ Phạm Trường Huy bên những tấm ảnh của con trai. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Lần cuối gặp con trong trang phục công an

Chúng tôi tìm về gia đình liệt sĩ Phạm Trường Huy, một trong bảy liệt sĩ hy sinh trong thời bình vì đã anh dũng chiến đấu với giặc lửa. Anh hy sinh năm 2007, khi tuổi đời vừa tròn 22.

Ông Phạm Kiêm Chính, cha của liệt sĩ Phạm Trường Huy tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3). Năm nay 62 tuổi, ông bị tai biến, mới gượng dậy được hơn tháng nay. Câu chuyện đứt quãng, chắp nối bởi những khoảng lặng.

“Hồi đó nó có bạn gái rồi. Hai gia đình còn tính cuối năm đó sẽ gặp nhau bàn chuyện cưới xin cho hai đứa, ai dè…”. Mười năm đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng ông Chính. “Tôi đặt tên con là Trường Huy: Trường là dài, Huy là huy hoàng. Tôi mong con một đời vẻ vang, hiển hách, ít ra thì cũng khá giả. Nó mất rồi, nó hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Vinh quang đó nhưng cũng xót xa lắm, cô ơi!” - ông nói, mắt nhìn xa xăm như nhớ về một ngày của 10 năm về trước.

Lần cuối cùng gặp con, ông vẫn còn nhớ lắm, đó là ngày 10-3 âm lịch. Cơ quan con tổ chức đi dự lễ, tầm 7-8 giờ tối, con tạt qua nhà cùng mấy người bạn bảo thăm ba má. “Thấy nó mặc đồ công an, tôi còn khen: “Đi đâu bảnh tỏn ha!”. Nó cười bảo: “Con lên xin chú Triều Dương (Thiếu tướng Trần Triều Dương, cựu Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM - PV) được phục vụ lâu dài ngành cứu hỏa”. Tôi đã tính 3-4 tháng nữa ra quân, tôi cho nó theo nghề vi tính, nó mê với giỏi món này lắm nhưng con mê cứu hỏa thì để con theo. Đâu ngờ hôm sau xảy ra cháy, đó là lần cuối cùng hai cha con gặp nhau!” - ông nói.

Đêm 26-4-2007, Trung tâm Cảnh sát PC&CC khu vực IV nhận tin báo cháy trên đường Nguyễn Văn Luông (phường 11, quận 6). Đơn vị lập tức báo động xuất xe, Phạm Trường Huy cùng đồng đội nhanh chóng lên đường.

Lúc tới nơi, cả kho hàng chìm trong biển lửa. Trời tối, điện cúp hoàn toàn, thêm vào đó khói mù mịt, nhà kho trong tình trạng mục rỗng, Huy giẫm phải tấm tôn nhựa lấy ánh sáng của nhà dân nên mất đà. Anh ngã từ trên mái nhà xuống đất ở độ cao 5 m, đứt quai nón bảo hộ và bất tỉnh. Dù đã được đồng đội đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nhưng vì chấn thương sọ não quá nặng, anh trút hơi thở cuối cùng vào chiều 27-4-2007 tại BV Chợ Rẫy…

“Làm vậy nhà sẽ ấm hơn!”

Hai bên tường dọc theo dãy hành lang nhỏ hẹp lên phòng thờ là hơn chục bức tranh được phóng lớn. Trong đó có sáu bức là ảnh Huy ngày anh còn nhỏ cho đến lớn. Ông Chính bảo: “Đây là tấm ảnh ngày con tròn một tuổi. Đây là tấm ngày nó và em gái đi chùa Vĩnh Nghiêm chơi, mái tóc búp bê này là tôi cắt cho nó, hồi đó kiểu tóc này đang nổi tiếng lắm. Đây là tấm ảnh ngày nó mới đi lính, nó mặc quân phục đẹp trai cô ha,…”. Ông kể với tôi mà như đang rủ rỉ với chính bản thân mình. Ông bảo ông mang rửa treo mấy tấm ảnh để nhà ấm hơn một chút.

Trên bàn thờ, di ảnh chàng trai trẻ với đôi mắt sáng, ánh nhìn cương nghị. Mười năm đã qua đi, cô em gái thường nhõng nhẽo ngày nào đã lập gia đình, đã có con. Cậu út năm nay 21 tuổi, đã đi làm. Ngôi nhà cũng được đánh số mới, hàng xóm xung quanh cũng có thêm người mới. Chỉ có Huy, thanh xuân của chàng trai dũng cảm ấy mãi mãi dừng lại ở tuổi 22…

Bảy liệt sĩ trong nhà tưởng niệm

Nhà tưởng niệm liệt sĩ trong trụ sở Cảnh sát PCCC TP.HCM ảnh 2
Nhà tưởng niệm liệt sĩ trong khuôn viên trụ sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

1. Liệt sĩ Nguyễn Văn Mót, sinh năm 1923, hy sinh ngày 7-2-1977.

2. Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1929, hy sinh 12-4-1979.

3. Liệt sĩ Võ Quang Hà, sinh 21-1-1956, hy sinh 12-4-1979.

4. Liệt sĩ Trần Văn Bảy, sinh 24-7-1960, hy sinh 24-8-1979.

5. Liệt sĩ Lê Văn Hà, sinh 16-5-1964, hy sinh 11-3-1991.

6. Liệt sĩ Phạm Văn Sáu, sinh 27-11-1971, hy sinh 26-1-1991.

7. Liệt sĩ Phạm Trường Huy, sinh 11-7-1985, hy sinh 27-4-2007.

_______________________________

Tiếc thương sự hy sinh anh dũng của người lính trẻ dũng cảm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh truy tặng Phạm Trường Huy danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Bộ Công an xét tặng danh hiệu liệt sĩ. Cảnh sát PC&CC TP.HCM phát động phong trào học tập tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh của Phạm Trường Huy trong toàn lực lượng Cảnh sát PC&CC TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm