'Quẳng' trẻ em lên mạng để kiếm view: Trò nguy hiểm và độc ác

Trong một cuộc thi game show trên truyền hình, một thí sinh khá ấn tượng tên A. đã bị ban giám khảo đánh rớt. Gia đình em đã khiếu nại đến ban tổ chức. Câu chuyện này đã được đưa lên báo và mạng xã hội. Trong các cuộc tranh cãi trên mạng, có không ít “gạch đá”, những lời cười nhạo, ác ý đã nhắm vào thí sinh nhỏ tuổi đó. Cuộc sống của em đã thực sự bị đảo lộn. Câu chuyện về A. đã được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, chia sẻ tại hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tại TP.HCM ngày 12-5 vừa qua.

Ông Nguyễn Hoa Nam cho biết: “Chúng tôi đã xem xét bản hợp đồng của công ty tổ chức chương trình này và nhận thấy không có điều khoản nào bảo vệ trẻ em”.

Người lớn bất cẩn “ném” đứa trẻ lên mạng

Đồng cảm với những trăn trở của Cục Bảo vệ trẻ em, nhà báo Nghi Anh (báo Phụ Nữ TP.HCM) chia sẻ về câu chuyện bé gái 13 tuổi tên N. đã cầu cứu đường dây nóng của báo. Đó là một câu chuyện rất đau lòng. N. bị hàng xóm xâm hại dẫn đến mang thai. Ban đầu N. sợ hãi giấu mọi người việc đã xảy ra nhưng khi mẹ em phát hiện em mang thai thì mọi chuyện vỡ lở. Thế nhưng thủ phạm không nhận trách nhiệm. Đến khi bé N. sinh con thì gia đình thủ phạm lại qua nhận cháu, xin cưới và… làm huề. Chẳng biết từ đâu có vài tờ báo mạng “xào nấu” lại thông tin, viết rằng bé N. thực ra “đồng thuận” trong vụ việc này. Cuộc sống của N. đã tủi hổ càng xáo trộn hơn. Những thông tin trên mạng đã đẩy N. tới hoảng loạn và tuyệt vọng.

Các nhà mạng cần giới hạn nội dung phù hợp khi trẻ em truy cập mạng. Ảnh: HM

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho rằng cần phải mạnh tay xử lý những bài viết trên mạng làm lộ thông tin, hình ảnh, địa chỉ của trẻ em, đặc biệt là trong những vụ việc nhạy cảm. Điều này là vi phạm pháp luật nhưng trên thực tế nó vẫn diễn ra trên mạng và cả trên báo. Ông nói: “Nếu có thông tin trên báo hay mạng xã hội liên quan tới trẻ em là chúng tôi xử lý ngay, dù là buổi tối. Có lần trên Facebook đưa hình ảnh một em bé lên, viết là em không nơi nương tựa cần giúp đỡ. Thông tin và hình ảnh lập tức được nhiều người “share”. Nhưng khi chúng tôi đến nơi xác minh thì không phải như vậy. Có người bịa ra chuyện này để nhiều người đến cho tiền. Sau đó cũng có vài vụ việc y như vậy nữa”.

Ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng khoảng 80% cư dân mạng thiếu kỹ năng chia sẻ thông tin cá nhân trên Facebook. Có những bậc cha mẹ vô tư khoe bảng điểm cá nhân xuất sắc của con mà không nhận ra đang gây ức chế, tổn thương cho những đứa trẻ khác không đạt thành tích tương tự. Nhiều hoạt động của con từ trường về nhà đều được cha mẹ khoe trên Facebook. Họ không ý thức được điều đó có thể gây ra nguy cơ cho con em họ, những kẻ xấu có thể nắm được thông tin của bé. Ông Nam nói: “Có gia đình đi chơi cả nhà, đưa luôn người giúp việc đi, “check in” không sót một chỗ nào. Tôi vội gọi cho anh này hỏi: Anh định mời trộm đến nhà đấy à?”.

Báo chí có trách nhiệm thông tin vụ việc cho cơ quan chức năng

Khi tiếp nhận các vụ việc liên quan đến trẻ em, các cơ quan báo chí cần thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em. Nếu thông tin đã đăng trên báo mà không thông tin cho các cơ quan chức năng thì tờ báo sẽ bị phạt.

 Ông ĐẶNG HOA NAM,Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em

Trao quyền cho trẻ em

Một “cựu trẻ em” tên Đức Anh, 18 tuổi, đã chia sẻ trong một cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững MSD: “Người lớn cứ cho rằng người lớn phải bảo vệ trẻ em trên mạng. Trong khi công nghệ thay đổi từng ngày, chưa chắc người lớn bắt kịp. Vì vậy, không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn chính trẻ em. Người lớn nên là người đồng hành, thậm chí học hỏi các em”. Ý kiến này đã được nhắc lại trong hội thảo lần này và được nhiều người đồng ý.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng: “Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin trên mạng. Một khi trẻ cầm smartphone, không ai có thể đi theo để bảo vệ các em mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, cần cung cấp cho các em một nền tảng giáo dục để các em có sức đề kháng trước những thông tin xấu. Việc giáo dục cần bắt đầu từ thế hệ mầm non, tiểu học”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể học hỏi để tạo nền tảng giáo dục và trao quyền cho trẻ em. Các cha mẹ cần dạy con em mình nhận biết những rủi ro trên môi trường mạng, tránh xa những tình huống nguy hiểm, đồng thời lắng nghe những vấn đề các em chia sẻ khi sử dụng mạng. Bên cạnh đó, ông Hoài Nam cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ phải có biện pháp giới hạn nội dung phù hợp với trẻ em theo yêu cầu của chủ thuê bao.

Đừng vì bảo vệ trẻ em mà… phạm luật

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), nhắc nhở: “Các hội, đoàn thể sốt sắng bảo vệ trẻ nhưng không khéo lại… phạm luật. Ở một số địa phương, nhiều đoàn thể đã đến thăm, động viên gia đình có em bé bị xâm hại làm cho người dân xung quanh ai cũng biết chuyện. Điều này rất không nên”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, cũng cho biết có những gia đình có trẻ bị xâm hại đã gọi đến cầu cứu: “Các anh, các chị nói giúp để báo chí đừng nói về con em chúng tôi nữa”. Nhiều nhà báo đã không ngại làm phiền gia đình và nạn nhân, dù với ý muốn tốt đẹp nhưng đã vô tình gây tổn thương sâu sắc đối với nạn nhân”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm