Siêu cung thủ 86 tuổi ở Sài Gòn

Ông tên là Hoàng Văn Nhì, cung thủ luyện tập tại câu lạc bộ (CLB) bắn cung Nhà văn hóa Thanh niên đã năm năm qua. Ông vừa trở lại CLB sau một tuần phải nhập viện để điều trị căn bệnh thoái hóa cột sống. Ổng nói rổn rảng: “Tôi buồn quá xin về, bác sĩ BV Trưng Vương không cho về nhưng tôi nói tôi khỏe lắm rồi”.

Chúng tôi hỏi ông hôm nay có khỏe không, ông trả lời: “Có chứ, có nhiều người xin chụp ảnh kỷ niệm mà”. Hỏi ông hôm nay có thể bắn không, ông nói: “Hồi trẻ tôi chơi thể thao dữ lắm”. Mọi người cười ồ vì các câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi. Chị Đoàn Thị Lệ, huấn luyện viên của CLB bắn cung, ghé sát tai ông nói lớn. Ông nghe xong, gật đầu cười: “À thông cảm cho tôi, tai tôi bị điếc rồi, không nghe được”.

Một loạt tên cắm thẳng hồng tâm!

Ông Nhì đeo túi tên, loay hoay mang bao tay và các đồ bảo hộ. Do ông làm hơi chậm nên huấn luyện viên đến giúp ông. Ông còn đội cả một chiếc mũ kiểu thổ dân với lông chim tua rua lên đầu và hỏi: “Như vầy coi được không?”. Ông chỉ hỏi chứ không đợi nghe trả lời!

Ông run run lắp tên vào dây cung, thẳng lưng, nheo mắt ngắm bắn. Lượt bắn đầu tiên, 3/5 mũi tên bay thẳng vào hồng tâm. Dù được mọi người vỗ tay tán thưởng, ông vẫn không hài lòng. Ông nói: “Tôi ngắm bắn bằng cảm giác và phản xạ, không còn bắn tốt như trước vì mắt đã kém rồi. Để tôi bắn lại nhé, nhiều lần tôi bắn được cả năm mũi tên trúng hồng tâm. Hồi trẻ tôi bắn súng cũng giỏi lắm đấy”. Ông cho biết đã cùng CLB giao lưu với cung thủ nhiều nơi, từ Thủ Đức đến Vũng Tàu, Đà Lạt. Sắp tới TP có giải bắn cung mở rộng, “có điều kiện thì tôi đi thi luôn” - ông thủng thẳng.

Ông Hoàng Văn Nhì bắn một loạt tên trúng thẳng hồng tâm. Ảnh: HỒNG MINH

Cách đây năm năm, con trai ông chở ông tới nhà văn hóa xem cung thủ luyện tập. Đó cũng là thời gian CLB mới được thành lập. Ông xin đăng ký theo học luôn. Chị huấn luyện viên cho biết: “Ít ai siêng tập như ông. Ban đầu khi còn khỏe, ông không bỏ buổi nào. Ông học rất nhanh và có năng khiếu. Lúc bắt đầu học, tai ông còn nghe được nên tôi cũng không vất vả. Sau này ông bệnh nhiều nhưng cũng ráng đến CLB 2-3 buổi mỗi tuần”.

Ông là cung thủ già nhất trong CLB và là học viên già nhất của Nhà văn hóa Thanh niên. Trong CLB cũng có hai cung thủ tuổi 60 nhưng chỉ thỉnh thoảng mới đến luyện tập do sức khỏe không cho phép. Nhiều học viên trẻ cũng không theo kịp sự chăm chỉ, yêu thể thao của ông.

Vượt đường xa một mình

Hằng ngày ông tự đi hai chặng xe buýt từ quận Tân Phú đến CLB. Do xe buýt không ghé ngang nhà nên ông phải đi bộ gần 1 km. Đối với ông, đó cũng là cơ hội tập thể dục. Từ khi bà mất, ông chỉ còn một mình. Ông sợ mình buồn đổ bệnh. Ông nói: “Mình chơi thể thao vừa đỡ bệnh, con cháu đỡ mệt mà lòng mình cũng khuây khỏa. Các con mỗi đứa một nơi, mình mà ốm chúng lại lo lắng, nháo nhác không làm ăn được. Ngày nào tới đây tôi cũng tốn đến 24.000 đồng tiền xe buýt đấy. Chúng nó cho tôi tiền bảo bố cứ đi cho khỏe”. Nói về các con cháu hiếu thảo, gương mặt ông sáng lên niềm tự hào.

Lần đầu tiên gặp ông ở đây, em cứ tưởng ông đến chơi. Đến khi thấy ông luyện tập và bắn giỏi, em học được bài học lớn từ ông là tuổi tác không ảnh hưởng đến niềm đam mê của bản thân. Em cũng theo đuổi môn thể thao này và nay đã làm việc luôn tại CLB.

NGUYỄN HẢI ĐỨCCLB bắn cung Nhà văn hóa Thanh niên

Đến tuổi này ông vẫn đi thẳng lưng, dáng người khỏe mạnh. Ông cho biết bạn bè tâm tình của ông bây giờ là con cháu trong gia đình và CLB nhưng vẫn có những lúc cảm thấy rất cô đơn. Những bạn bè đồng niên của ông chẳng còn mấy ai đủ khỏe mạnh để gặp gỡ, giao lưu với nhau nữa.

Ông vẫn rất xì-tin với mũ thổ dân đội đầu tự trang bị

Một bạn trẻ hỏi ông làm sao ngắm bắn trúng hồng tâm khi mắt đã mờ. Ông lại trả lời không ăn nhập gì câu hỏi: “Ngày xưa ấy à, tôi chơi đủ các môn thể thao, từ bóng chuyền, đá banh đến nhảy dù. Ngày xưa tôi phong độ lắm. Giờ già rồi nên tập ít thôi, tôi tập bằng cung nhẹ chứ cũng không cầm được cung lớn của các cháu thanh niên. Tôi sẽ được lên báo đúng không? Được lên báo thì thích lắm”. Nói xong ông cười rất rạng rỡ.

Ông mang theo nụ cười rạng rỡ ấy rời khỏi CLB sau buổi tập, chờ con đến đón. Hôm nay ông không đi xe buýt vì con trai ông phải “hộ tống” cha - một ông già vừa “trốn” viện đã “cãi lệnh” bác sĩ đòi chạy ra CLB.

Ông là bài học lớn

Siêu cung thủ 86 tuổi ở Sài Gòn ảnh 3
Huấn luyện viên Đoàn Thị Lệ giúp ông Hoàng Văn Nhì chuẩn bị cho buổi tập. Ảnh: HỒNG MINH

Môn bắn cung lứa tuổi nào cũng có thể học được, chỉ cần một nền tảng kỹ thuật tốt và có sự điềm tĩnh. Hiện nay hầu như chỉ có các bạn trẻ theo đuổi môn này. Im Dong Hyun là vận động viên khiếm thị của Hàn Quốc đã từng lập kỷ lục thế giới tại Olympic 2012. Ông Hoàng Văn Nhì của CLB chúng tôi cũng là một bài học điển hình cho tinh thần thể thao của môn bắn cung

Chị ĐOÀN THỊ LỆhuấn luyện viên CLB bắn cung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm