Các ý kiến đã được nêu ra trong diễn đàn mở Gender Talk do cô Doãn Thị Ngọc (ĐH Hoa Sen) tổ chức tại trường. Đây là buổi talk show được tổ chức lần đầu tiên nhưng thu hút được nhiều sinh viên (SV), giảng viên, các diễn giả đến từ nhiều đơn vị khác nhau và nhiều phụ huynh tham gia.
Va chạm dữ dội với phụ huynh về tình yêu
Một SV nữ ngập ngừng chia sẻ câu chuyện của cô về tình dục-tình yêu. Cô khá thoáng trong tình cảm nhưng phải giấu kín gia đình chuyện mình có bạn trai người nước ngoài. Cả hai yêu nhau và chung sống với nhau. Cho đến một ngày, gia đình cô phát hiện ra mối quan hệ. Cô bị chính gia đình mình lên án, chỉ trích rất nặng nề khiến cô rơi vào khủng hoảng. Ngay cả chủ nhà trọ cũng xúc phạm cô. Cô bày tỏ quan điểm của mình: “Nếu quý vị ở đây có con gái, xin hãy dạy cho con về cách yêu thương bản thân, biết cách tự bảo vệ mình, không phán xét con cái nặng nề như thế”.
Nam SV tên Phi Tú đồng cảm với trải nghiệm của SV nữ này. Anh cho rằng hiện nhiều bậc phụ huynh còn bó buộc con gái, cháu gái, con dâu của mình vào những định kiến giới nghiệt ngã. Trong một chuyến về Sóc Trăng, anh biết có những trường hợp mẹ chồng vẫn yêu cầu trải khăn trắng trên giường tân hôn để kiểm tra trinh tiết cô dâu. Anh bày tỏ: “Trong nhiều gia đình, đàn ông có quá nhiều quyền mà không biết trách nhiệm mình ở đâu. Phụ nữ có quá nhiều trách nhiệm nhưng lại thiếu quyền. Các bạn cần đấu tranh để đạt được quyền tự quyết của chính mình”.
Không chỉ va chạm dữ dội với phụ huynh các quan điểm về tình dục-tình yêu, các bạn SV cho biết họ còn bức xúc vì nhìn thấy sự bất bình đẳng giới trong chính gia đình. Cô SV tên N. cho biết: “Tôi rất khó chịu vì mẹ tôi phải làm tất cả việc nhà, ba tôi làm ít hơn mà về nhà nghỉ ngơi nhiều hơn. Tôi muốn ba mẹ tôi thay đổi điều này nhưng tư tưởng của họ đã bị gia trưởng hóa rồi, không thay đổi được”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc (chuyên gia tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cho biết cô đã tiếp xúc với nhiều phụ nữ rất tự hào vì sự hy sinh vô lý của mình trong gia đình bởi thế hệ của họ được dạy dỗ, mặc định rằng phụ nữ phải hy sinh. Bị bạo hành, thiệt thòi thì họ đổ tại cái số, tại vì con. Trong khi đó, những đứa trẻ rất khổ tâm và dễ có tư tưởng phản kháng lại cha mẹ trong hoàn cảnh sống như thế.
Các “diễn giả sinh viên” bị khán giả chất vấn. Bên cạnh là các giảng viên điều phối chương trình. Ảnh: HM
Coi trọng tiền và đòi quyền bình đẳng quyết liệt
Cô Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ về một trường hợp mà cô đã và đang tham vấn. Một đôi trẻ đang yêu nhau và chung sống với nhau. Chàng trai kiếm được nhiều tiền hơn cô gái rất nhiều. Anh luôn đề nghị cô nghỉ làm, ở nhà để anh nuôi bởi anh đủ sức lo cho cô cuộc sống thoải mái về tiền bạc và luôn muốn được cô chăm sóc khi trở về nhà. Anh có một số vấn đề về sức khỏe, dù không nghiêm trọng nhưng anh cảm thấy phiền mỗi khi về nhà mà bạn gái vẫn ở công sở. Phía cô gái thì muốn phấn đấu trong sự nghiệp. Họ đều yêu nhưng vì bất đồng quan điểm về công việc mà đã chia tay nhiều lần. Cô hỏi các bạn SV có suy nghĩ như thế nào nếu mình là người trong cuộc.
Một SV nữ thẳng thắn bày tỏ trong tiêu chí chọn chồng, bạn sẽ chọn người giàu. Theo bạn, chồng giàu có thể lo cho con học trường tốt, có tiền cho vợ đi spa chứ không phải tới những nơi làm đẹp kém chất lượng, cô có thể được đi xe hơi, được đi du lịch. Nhưng cô cũng lo lắng có thể người chồng nắm toàn quyền về kinh tế sẽ gia trưởng, dẫn đến mất bình đẳng trong gia đình. Vì thế, bên cạnh việc lựa chọn chồng giàu, cô sẽ nỗ lực kiếm tiền để có sự tự chủ nhất định.
Thầy Đỗ Hồng Quân (ĐH Mở) chia sẻ thầy đã gặp một bác sĩ Thụy Điển theo vợ qua Việt Nam vì vợ ông hợp tác làm việc với Tổng cục Thống kê. Vị bác sĩ này vui vẻ nhận trách nhiệm ở nhà làm việc nhà và chăm sóc hai con gái. Ông nói: “Chăm con là trách nhiệm cũng là nhu cầu của tôi”. Theo thầy Quân, phân công việc nhà và đi làm kiếm tiền phải là sự cân nhắc nhu cầu và khả năng của cả hai, không phải hễ đàn ông là phải ra ngoài làm kiếm tiền, hễ phụ nữ là phải làm việc nhà. Định kiến giới không chỉ khiến phụ nữ thiệt thòi mà còn khiến nhiều đàn ông rơi vào nhóm yếu thế bởi nếu không giàu thì sẽ khó tìm được bạn đời.
Tiếp nhận hiện đại, tôn trọng truyền thống Đối với các bạn trẻ, vấn đề là chúng ta phải lựa chọn các giá trị. Càng đi ra ngoài chúng ta càng dễ bị xung đột với người lớn tuổi trong gia đình với hệ giá trị của họ đã cũ. Thực ra tôn sùng hay phủ nhận quyết liệt hệ giá trị nào cũng là thái quá. Chúng ta cần tiếp nhận giá trị hiện đại và chắt lọc, giữ gìn các giá trị truyền thống. Thầy ĐỖ HỒNG QUÂN, ĐH Mở |