Đã 30 năm trôi qua (14-3-1988 - 14-3-2018) kể từ ngày 64 chiến sĩ kiên trung đã anh dũng ngã xuống tại đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng những hình ảnh, câu chuyện về sự kiện bi hùng này vẫn in sâu trong tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là những cựu binh Gạc Ma.
Cựu binh Trần Thiên Phụng (ở giữa) cùng đồng đội kết vòng hoa gửi các liệt sĩ nằm lại ở Gạc Ma.
May mắn sống sót trở về sau sự kiện quân Trung Quốc thảm sát ở Gạc Ma, cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi, ở TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết vẫn nhớ như in những khoảnh khắc của ngày này 30 năm trước. Mỗi lần nghĩ về Gạc Ma là mỗi lần tim ông đau thắt.
"Gạc Ma đối với tôi không chỉ ghi nhớ bằng đầu óc, trí nhớ mà nó đã in sâu vào trái tim. Mỗi khi nhớ về đồng đội, nhớ về Gạc Ma tim tôi lại nhói đau. Mấy hôm nay tôi không tài nào ngủ được, trong đầu lúc nào cũng bồn chồn nghĩ về những đồng đội, nghĩ về gia đình của họ", ông Phụng tâm sự.
Ông Phụng kể, sau khi nhập ngũ ông và đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra xây dựng đá Gạc Ma, Cô Lin... Đêm 11-3 tàu nhổ neo lên đường, đến chiều 13-3 thì ra đến nơi, khi các tàu thả neo cạnh đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma thì bị ba tàu chiến Trung Quốc được trang bị vũ khí, súng ống áp sát.
"Khoảng 6 giờ ngày 14-3, các tàu thả neo, cắm cọc neo, chăng dây để kéo thuyền đưa vật liệu vào đảo, làm nơi cắm cờ Tổ quốc trên đảo. Lúc này tàu Trung Quốc cũng thả thuyền nhôm và nhiều binh lính mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma tranh giành cắm cờ. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma cùng một số chiến sĩ đứng chặn tốp lính này thì bất ngờ loạt đạn nã về phía anh cùng đồng đội”, ông Phụng nhớ lại.
Loạt đạn tàn khốc khiến tàu HQ 604 bốc cháy rồi từ từ chìm xuống biển. Ông Phụng cùng nhiều đồng đội bị thương. "Hình ảnh hiện lên trong đầu tôi lúc này là cảnh Thiếu úy Phương bị thương nhưng vẫn cố vươn tay nắm chặt cờ Tổ quốc và hô to "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo...!”, ông Phụng kể lại.
Vòng hoa được gửi theo những con sóng ra Gạc Ma.
Cũng giống như ông Phụng, sau khi xuất ngũ, cựu binh Trần Quang Dũng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) trở về quê hương lập gia đình, tiếp nối nghề của gia đình với chiếc tàu mang tên "tàu bộ đội".
"Tôi vay tiền đóng một con tàu nhỏ ra khơi đánh bắt. Người dân ở đây thường hay gọi chiếc tàu của tôi là “tàu bộ đội” bởi các thuyền viên trên tàu đều là cựu binh Trường Sa. Ngày nay, tàu chúng tôi vẫn vươn khơi bám biển để góp phần vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Dũng nói.
Đưa mắt nhìn ra biển, cựu binh Dũng nói tiếp: "Đời người có lẽ sợ nhất là bị lãng quên. Ngày nay nhiều người trẻ ít quan tâm đến lịch sử, đến sự kiện Gạc Ma. Có lẽ chúng ta nên đưa sự kiện này nhiều hơn vào giáo dục để nhiều người được biết về sự kiện này, về các đồng đội của tôi nằm lại ở nơi đảo xa đỡ phần nào buồn tủi".
Vào những ngày tháng 3 này, để tưởng nhớ những người đồng đội, ông Dũng cũng như nhiều cựu binh Trường Sa đều tổ chức gặp mặt để cùng thả hoa đăng, làm một mâm cơm cúng vọng ra biển rồi cùng quây quần bên nhau chuyện trò.
Những cựu binh cùng trò chuyện, nhớ về những đồng đội nằm lại ở Gạc Ma.
Cựu binh Lê Hữu Thảo, Trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma, chia sẻ dù hiện tại mỗi người ở một nơi và hầu hết đều khá khó khăn nhưng những người lính bảo vệ đảo Gạc Ma ngày xưa vẫn thường xuyên giữ liên lạc, quan tâm, hỏi thăm lẫn nhau.
"30 năm thời gian rất là dài với một đời người nhưng tôi và những đồng đội vẫn không thể nào quên được hình ảnh về sự kiện Gạc Ma ngày ấy", ông Thảo nói.