Tây Hà là một cô gái chuyển giới có nhan sắc rất thu hút. Cô vừa đạt danh hiệu Á hoàng chuyển giới 1 trong cuộc thi nữ hoàng chuyển giới lần đầu tiên được phép tổ chức ở Việt Nam tháng 8 vừa qua. Điều đáng nói là việc chăm sóc sức khỏe của một người chuyển giới như cô gặp muôn vàn khó khăn. Cô bày tỏ: “Em cũng như các bạn gái khác rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Việc làm đẹp thì em có kinh nghiệm nên không sao, còn việc chăm sóc sức khỏe thì vô cùng vất vả. Có bệnh em cũng rất ngại tới bệnh viện khám vì bị hỏi nhiều lắm, họ tò mò về cơ thể em. Riêng việc tiêm hormone nữ thì tụi em phải mua từ những người trong giới xách tay từ Thái Lan về. Ở Việt Nam không có nơi nào bán hormone được cấp phép”.
Tây Hà chia sẻ như vậy bên ngoài buổi hội thảo với các cơ quan báo chí về tiến trình xây dựng luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Hội thảo diễn ra ngày 2-11 do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức. Nhiều tổ chức hoạt động cộng đồng, nhiều người chuyển giới và chuyên gia của Bộ Y tế đã tham dự hội nghị.
Bị chính bác sĩ kỳ thị
Tây Hà cho biết trở ngại lớn nhất khi cô đi khám ở các cơ sở y tế là bị yêu cầu xuất trình giấy tờ và họ luôn thắc mắc tại sao trên giấy tờ là nam mà trên thực tế cô lại là nữ. Nhiều bạn nữ chuyển giới của cô phải mua hormone trôi nổi trên thị trường để duy trì vẻ nữ tính. Có những cô không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật đã tự mua silicon để bơm vào vùng mông, ngực, gây biến chứng rất khó lường.
Uyên Minh, sinh viên 21 tuổi, là người chuyển giới nam cho biết: “Cách đây chưa lâu tôi bị chấn thương chân. Khi vào BV cấp cứu, các y bác sĩ cứ hỏi đi hỏi lại: Cậu là nam hay nữ? Nữ mà sao ăn mặc kỳ vậy, tại sao lại xăm?”. Dù Minh giải thích cậu là người chuyển giới nam nhưng ngay cả các y bác sĩ cũng tỏ thái độ kỳ thị khiến cậu đau lòng. Sau này nếu bị bệnh chưa tới mức phải đi cấp cứu, Minh đều tự ra nhà thuốc Tây mua thuốc để tránh bị kỳ thị, soi mói.
Q. là một người chuyển giới nam cho biết nhiều bạn bè của anh không có điều kiện qua Thái Lan đã đi phẫu thuật chui, chịu nhiều biến chứng và hậu quả, hối hận thì đã muộn. Các bác sĩ ở Việt Nam làm chui cũng không bao giờ có hồ sơ, sổ sách về bệnh nhân nên việc thống kê phục vụ nghiên cứu về y tế là gần như không có. BS Nguyễn Tấn Thủ đồng tình: “Có bệnh nhân mới đây tôi tiếp xúc, cô ấy bị áp xe ngực do bơm silicon không rõ nguồn gốc, chịu nhiều biến chứng”.
Tây Hà trả lời phỏng vấn báo chí về cuộc sống người chuyển giới. Ảnh: H.MINH
Bị từ chối việc làm, có người phải... đi bán dâm
Uyên Minh vẫn không quên được những tháng ngày vật vã đi xin việc. Nhiều công ty khi nhận hồ sơ đã gọi lại cho Minh, qua trao đổi điện thoại thì họ rất hào hứng do Minh thông thạo ngoại ngữ và nhiệt tình. Cứ đến vòng phỏng vấn trực tiếp là Minh rớt dù anh đủ năng lực làm việc. Có nhiều người còn nói thẳng: “Em nên để tóc dài, mặc đồ con gái, đừng ăn mặc thế này”. Thậm chí Minh xin vào làm phục vụ trong quán trà sữa cũng bị từ chối. Minh nói: “Giấy tờ vẫn để giới tính nữ gây khó khăn cho tôi rất nhiều. Tôi mong có luật chuyển đổi giới tính càng sớm càng tốt”. Rất lâu sau đó Minh mới xin được thực tập trong một doanh nghiệp không kỳ thị người chuyển giới.
Tôi là chuyển giới nam và tôi mong muốn được nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự như các bạn nam khác. UYÊN MINH, chuyển giới nam |
BS Nguyễn Tấn Thủ chia sẻ về kinh nghiệm giúp đỡ người chuyển giới, khó khăn nhất là vấn đề tâm lý và việc làm. Anh nói: “Có một bạn chuyển giới mới 15 tuổi đã phải rời khỏi gia đình do không được chấp nhận. Bạn ấy không giấy tờ, không được học hành tới nơi tới chốn. Bạn nói với tôi một là bạn sẽ chết đói, hai là phải đi bán dâm. Áp lực xã hội nó ghê gớm quá. Không phải các bạn không có năng lực làm việc mà không nơi nào chấp nhận các bạn. Tôi chỉ có thể giúp đỡ các bạn bằng việc tư vấn cách phòng vệ chứ ngoài ra tôi không có giải pháp nào khác cả. Chỉ một số ít bạn nữ chuyển giới nào may mắn, có tài lẻ thì đi biểu diễn ca hát, thời trang”.
Theo báo cáo của SCDI, một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM năm 2015 cho thấy 45% bị từ chối việc làm do bị phân biệt đối xử. Chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có việc làm chính thức (có hợp đồng lao động và có BHXH), có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.
Cần có luật càng sớm càng tốt Chúng ta cần có luật để người chuyển giới ở Việt Nam được bảo vệ, được hỗ trợ. Không thể để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ công nhận hai giới nam và nữ. Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành tạm giữ-tạm giam, Luật Thi hành án hình sự… chưa có quy định đối với người chuyển giới. Chúng tôi đã có nhiều cuộc hội thảo tham vấn để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật chuyển đổi giới tính. Cơ quan soạn thảo đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ theo ý kiến góp ý. Bà ĐINH THỊ THU THỦY, chuyên viên Vụ Pháp chế-Bộ Y tế, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật chuyển đổi giới tính |