Thep FFI, các chuyên gia về linh trưởng đã thảo luận tại Singapore tuần trước và liệt kê 11 loài ở Việt Nam xếp vào mức “Cực kỳ nguy cấp toàn cầu”, gồm: vượn đen tuyền Tây Bắc còn dưới 60 con; voọc Cát Bà, hiện còn dưới 70 con; vượn Cao Vít khoảng 130 con; voọc mông trắng dưới 200 con; voọc mũi hếch dưới 200 con; chà vá chân xám không đến 1.500 con.
Những loài như chà vá chân nâu, chà vá chân đen, vượn đen má trắng, vượn đen má trắng siki, khỉ đuôi dài Côn Đảo chưa rõ số lượng.
Trong đó, ba loài voọc Cát Bà, voọc mông trắng và voọc mũi hếch xếp hàng đầu trong danh sách 25 loài nguy cấp nhất thế giới.
Vượn đen tuyền
Vượn Cao Vít
Voọc mũi hếch
Voọc Cát Bà
Chà vá chân xám
Tình trạng này được các chuyên gia đánh giá là “đặc biệt nghiêm trọng”, bởi lẽ năm 2008, Việt Nam chỉ có bảy loài cực kỳ nguy cấp nhưng đến nay do bị săn bắn và mất sinh cảnh, số loài đã tăng đến 11.
Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - Chương trình Việt Nam đang thực hiện các hoạt động bảo tồn đối với năm loài: voọc Cát Bà, voọc mũi hếch, vượn Cao Vít, chà vá chân xám, vượn đen tuyền. Tuy nhiên, công tác bảo tồn chắc chắn sẽ cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa.
TS Lê Khắc Quyết, một trong những nhà linh trưởng học hàng đầu của Việt Nam, cho rằng phải tăng cường bảo vệ các quần thể, phục hồi rừng, thu hút sự tham gia của người dân vào bảo tồn động vật hoang dã...