Hiện tại giá bất động sản (BĐS) ở TP.HCM, đặc biệt là tại các vùng ven đang tăng ở mức khá cao. Nhiều người không chỉ mua bán BĐS đã được cấp giấy chủ quyền hợp pháp mà cả những BĐS chưa có giấy chứng nhận (GCN) cũng được giao dịch rất sôi động.
Người mua bán BĐS cần lưu ý những gì để giao dịch được suôn sẻ, hợp pháp... Những kinh nghiệm, sự lựa chọn hợp lý khi cần BĐS trong cơn sốt đất là một trong các nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm tại buổi giao lưu trực tuyến “Sốt đất, mua bán sao cho an toàn” do Pháp Luật TP.HCMtổ chức chiều 15-6.
11 yếu tố để có nhà, đất như ý
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Đại Phúc Land, có rất nhiều dự án BĐS được giới thiệu trên thị trường với nhiều ưu điểm. 11 yếu tố bà cho là cần quan tâm khi lựa chọn BĐS ưng ý là quy mô, vị trí, các vấn đề pháp lý, chủ đầu tư, các tiện ích, an ninh, PCCC, nhà thầu xây dựng, phong thủy (như hướng nhà, hướng cửa…), hạ tầng cơ sở (ngập nước hay không, tắc đường...) và môi trường sống.
Với câu hỏi chung của các bạn đọc nếu số tiền hiện có còn ít so với giá cả BĐS hiện nay thì có nên mua để tích trữ không, bà Hương nhận định khi lựa chọn đầu tư vào BĐS, cần chọn một phân khúc đầu tư phù hợp với túi tiền. Ví dụ, có 1 tỉ đồng trong tay thì nên đầu tư vào căn hộ phân khúc trung bình khá, mức giá khoảng 1,3-1,8 tỉ đồng.
Toàn cảnh giao lưu trực tuyến tại báo Pháp Luật TP.HCM chiều 15-6. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiệu lực của hợp đồng góp vốn?
Hợp đồng góp vốn là dạng hợp đồng được lập giữa chủ đầu tư và người mua đối với BĐS hình thành trong tương lai. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Trưởng phòng Pháp chế Tập đoàn BĐS Đại Phúc, phân tích theo khoản 9 Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định về hợp đồng nhà ở thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Việc thanh toán theo các đợt quy định trong hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng.
Một số bạn đọc lo ngại nếu không đóng tiền theo đúng tiến độ chủ đầu tư quy định thì sẽ bị phạt. Luật sư Chánh chia sẻ vấn đề này cũng do các bên tự thỏa thuận.
Nếu hợp đồng không có nội dung này thì người mua có thể tham khảo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005. Theo đó, “Bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Đất mua giấy tay làm sao để được cấp GCN?
Những câu hỏi về việc cấp GCN cho các loại nhà, đất mua bán giấy tay được ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, trả lời chi tiết. Theo quy định, nếu phần đất đã mua chưa được cấp GCN cho chủ cũ thì cho phép giải quyết cấp GCN lần đầu trong trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất bằng giấy tay trước ngày 1-1-2008. Trường hợp chủ cũ đã có GCN thì được xem xét giải quyết cấp GCN cho người nhận chuyển quyền bằng giấy tay trước ngày 1-7-2014.
Ông Quang nhắn gửi: “Người dân có thể tham khảo nội dung Nghị định 43/2014 để xác định trường hợp của mình có đủ điều kiện giải quyết hay không. Nếu chưa rõ, người dân có thể liên hệ bộ phận tiếp dân của Văn phòng đăng ký TP.HCM (12 Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để được hướng dẫn cụ thể”.
Chỗ đậu xe có ghi nhận trong hợp đồng? Nhiều bạn đọc thắc mắc ở một số dự án thì phí gửi xe đối với cư dân là một nỗi lo, pháp luật có quy định về vấn đề này không? Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, khi mua nhà trong dự án người dân nên thỏa thuận các phí quản lý, trong đó có phí đỗ đậu xe. Vấn đề này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc ở phụ lục. Ở một số dự án như Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn BĐS Đại Phúc làm chủ đầu tư thì cư dân được miễn phí này đến năm 2020. |