Ngày 12-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh điều hành hội nghị.
Tại hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ lo ngại việc dự thảo Luật giao cho Chính phủ hay Bộ quy định chi tiết cả một điều mà không xác định phạm vi quy định chi tiết.
‘Việc này rất dễ dẫn đến ủy quyền lập pháp tràn lan, làm cho luật quy định chung chung, không mang tính quy phạm, sau khi ban hành không đi vào cuộc sống mà còn dẫn đến tâm lý xem thường luật, coi trọng văn bản dưới luật, mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật và văn bản dưới luật” - GS.TS Trần Ngọc Đường nói.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cũng đánh giá nội dung của dự thảo luật nặng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước.
“Nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Hầu hết, các điều luật đều có hai chữ “phát huy” nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì? Phát huy như thế nào không thấy quy định? Khuôn khổ pháp lý để phát huy giá trị di sản văn hóa không thấy quy định đầy đủ, rõ ràng trong dự án luật” - GS.TS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.
Đề cập đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, PGS.TS. Bùi Xuân Đức cho rằng Luật sửa đổi vẫn giữ theo luật cũ năm 2001 (sửa đổi năm 2009) nặng về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
“Cách hiểu này quá hẹp, không tương xứng với tên và chủ đề của luật. Luật Di sản văn hóa phải điều chỉnh mọi quan hệ liên quan đến di sản. Nó không chỉ quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà phải là đi từ các quan hệ cơ bản nhất gắn với di sản là: Xác nhận, công nhận, chứng nhận, khai thác, sử dụng rồi mới đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản” - PGS.TS. Bùi Xuân Đức nói.
Ông Trương Minh Tiến, Thành viên Hội đồng tư vấn Tôn giáo (UBMTTQ thành phố Hà Nội) kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn.
Bên cạnh đó, việc tu bổ di tích cần có sự điều chỉnh tại Điều 58, Chương VII, trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo về cải tạo, nâng cấp các công trình là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.
Cần thiết sửa đổi Luật di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế” - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương.
Cũng đề cập về chủ đề này, GS-TS Thái Vĩnh Thắng, bày tỏ quy định “không được kinh doanh” di sản văn hóa là không phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam và làm hạn chế quyền sở hữu tài sản chính đáng của con người và công dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, cho biết sau một buổi làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã ghi nhận 17 ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết thể hiện sự nghiên cứu sâu rộng của các đại biểu để tham gia góp ý vào Dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến tại Hội nghị và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), trong đó: Bỏ một chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, thành ba chương mới là Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V); Bảo tàng (Chương VI); Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VIII).