Sở VH&TT TP.HCM đề xuất lập quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

(PLO)- "Sở VH&TT sẽ trình UBND TP đề xuất ra đời quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố" - ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-9, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM (VH&TT TP.HCM) cùng đoàn công tác của sở đã có cuộc khảo sát thực tế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá tại đình Xuân Hòa (129 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3) và Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3).

Tại đình Xuân Hoà, ông Trần Thế Thuận cùng đoàn đã ghi nhận thực tế các hạng mục công trình của đình, trong đó có một phần mái, trui, kèo, cột đã xuống cấp, cần được tu bổ.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn khảo sát tại đình Xuân Hoà. Ảnh: VĂN HÀ

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn khảo sát tại đình Xuân Hoà. Ảnh: VĂN HÀ

Hiện đình còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc của một ngôi đình cổ Nam bộ và nhiều hiện vật có giá trị về văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Nói với PLO, ông Nguyễn Văn Châu (84 tuổi), người canh giữ đình cho biết việc gìn giữ bảo tồn đình gặp nhiều khó khăn vì chưa có sự hỗ trợ về mặt kinh phí.

Trước những khó khăn đó, ông Thuận đã gửi lời cảm ơn cũng như khen ngợi những cố gắng của ông Châu. Ảnh: VĂN HÀ

Trước những khó khăn đó, ông Thuận đã gửi lời cảm ơn cũng như khen ngợi những cố gắng của ông Châu. Ảnh: VĂN HÀ

“Việc gìn giữ không phải cho riêng mình chú mà cho cả người dân thành phố này. Người ta biết đến nguồn cội của ông bà tổ tiên những người đầu tiên vào khai hoang lập đất. Những tín ngưỡng dân gian của mình không gìn giữ như thế này thì sẽ bị mai một hết” – ông Thuận nói.

Đồng thời, ông Thuận cũng đề nghị nếu ở đình có những nhà hảo tâm thì ông Châu cứ mạnh dạn trao đổi rồi báo cho anh em địa phương, phòng văn hóa quận để anh em cho người xuống hỗ trợ.

“Con hứa với chú điều này, khi mà sửa chữa gì đó, chú làm hồ sơ lên thì sở sẽ làm thật nhanh, không hề tốn kém hay mất thời gian gì của chú cả” – Ông Thuận bày tỏ.

Đối với Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968, ông Trần Thế Thuận đã đánh giá cao công tác bảo tồn di sản tại đây từ việc bảo quản, lưu giữ nhiều hạng mục, hình ảnh, hiện vật có giá trị cao về lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đoàn khảo sát Di tích lịch sử Quốc gia Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968. Ảnh: VĂN HÀ.
Đoàn khảo sát Di tích lịch sử Quốc gia Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968. Ảnh: VĂN HÀ.

Chia sẻ với PLO về phương hướng bảo tồn sau khảo sát, ông Trần Thế Thuận cho biết:"Hiện nay TP.HCM chúng ta không chỉ là một địa phương có điều kiện kinh tế phát triển mà còn rất giàu về truyền thống văn hóa đặc biệt là các di sản văn hóa mà cha ông chúng ta để lại.

Qua khảo sát, chúng tôi càng tâm đắc hơn những di chỉ, những yếu tố về văn hóa di sản quý báu đó và chúng ta phải có trách nhiệm để gìn giữ.

Qua nhiều năm, hầu hết các di sản của TP đều đang trong tình trạng xuống cấp, cũng còn rất ít di sản được gìn giữ và bảo tồn như thế này. Chúng tôi nghĩ rằng bên cạnh trách nhiệm của nhà nước thì các cô, các chú là những người đang trực tiếp quản lý các di tích hết sức trách nhiệm và họ cũng cũng có những nổ lực cố gắng về mặt chủ quan.

Nhưng bên cạnh nguồn lực của từng ban quản lý, ban quý tế của các hội đình, di sản văn hoá thì cần phải có sự chung tay góp sức của đồng bào thành phố.

"Sắp tới đây Sở VH&TT sẽ trình UBND TP để đề xuất ra đời quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của thành phố. Bà con thành phố có thể đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật, tư liệu…. mà gia đình đã để lại trong nhiều năm.

Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng và phát huy tốt nhất những sản phẩm cũng như đóng góp của bà con thành phố" - ông Thuận chia sẻ thêm.

"Hiện tại TP.HCM có 185 di tích trong đó 53 di tích được công nhận và trên 200 di tích chưa được công nhận. Trong thời gian tới Sở VH&TT sẽ tiến hành cùng hội Khoa học lịch sử và di sản thành phố để công nhận thêm" - ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm