18 vị vua Hùng là ai ?

Vua Hùng có thật 18 vị hay là...


Đền thờ vua Hùng tại Suối Tiên- Ảnh tư liệu

Năm 2007, Quốc hội chọn ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc giỗ nhằm ghi nhớ công ơn các vị vua Hùng.

Trong "Hỏi gì đáp nấy" (tập 19, NXB Trẻ, 2010, trang 41) Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng viết: "Thật ra thì 18 đời Vua chỉ là con số biểu trưng, có nghĩa là nhiều đời Vua, truyền nối lâu dài. Không ai biết được 18 Vua Hùng có tên là gì đâu, đừng cất công tìm vô ích".

Nhưng trong "Thế thứ các triều vua Việt Nam"(Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 14-15), nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần viết đích danh 18 vị vua Hùng:

  1. Kinh Dương Vương(涇陽王): 2879 - 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Huý là Lộc Tục (祿續).
  2. Hùng Hiền vương(雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 - 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).
  3. Hùng Lân vương (雄麟王): 2524 - 2253 TCN
  4. Hùng Việp vương (雄曄王): 2252 - 1913 TCN
  5. Hùng Hi vương (雄犧王): 1912 - 1713 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "ngưu" 牛)
  6. Hùng Huy vương (雄暉王): 1712 - 1632 TCN
  7. Hùng Chiêu vương (雄昭王): 1631 - 1432 TCN
  8. Hùng Vĩ vương (雄暐王): 1431 - 1332 TCN
  9. Hùng Định vương (雄定王): 1331 - 1252 TCN
  10. Hùng Hi vương (雄曦王): 1251 - 1162 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "nhật" 日)
  11. Hùng Trinh vương (雄楨王): 1161 - 1055 TCN
  12. Hùng Vũ vương (雄武王): 1054 - 969 TCN
  13. Hùng Việt vương (雄越王): 968 - 854 TCN
  14. Hùng Anh vương (雄英王): 853 - 755 TCN
  15. Hùng Triêu vương (雄朝王): 754 - 661 TCN
  16. Hùng Tạo vương (雄造王): 660 - 569 TCN
  17. Hùng Nghị vương (雄毅王): 568 - 409 TCN
  18. Hùng Duệ vương (雄睿王): 408 - 258 TCN

18 vị vua Hùng tuổi thọ bao nhiêu?

TheoĐại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm.Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính.

Bàn thờ chính tại Đền Thượng tại Khu di tích đền Hùng (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) - Ảnh tư liệu

18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Con số này cũng có nhiều giả thuyết.

Cũng trong Đại Việt sử lược là tác phẩm đầu tiên đề cập tới và dường như dữ kiện đó được nhiều tác phẩm sử học, khảo cứu sau này ghi chép theo, thậm chí các tác phẩm ở dạng diễn ca cũng viết:

Xưng Hùng Vương, cha truyền con nối,
Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc sởn sơ,
Nước xưng một hiệu, năm dư hai nghìn.
(Thiên Nam minh giá)

Đền thờ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên

Hoặc như một số câu đối ca ngợi về thời đại Hùng Vương cũng đề cập đến có số 18. Thí dụ:

Thập bát truyền vi quân vi vương, trùng xuất tiên nga duy mạt tạo
Ngũ thập tử quy sơn quy hải, biệt trung thần nữ thiệu anh phong.

Nghĩa là:

Mười tám đời truyền làm quân làm vương, hai vị tiên nga cuối dòng họ
Năm mươi con lên núi, xuống biển, một nàng thần nữ nối ngôi cha.

Hay như câu đối:

Nam thiên thập bát thế xa thư, sơ đầu đệ nhất thánh.
Tâynhạcức vạn niên hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần.

Nghĩa là:

Trời Nam 18 đời truyền kiếp, buổi đầu đệ nhất thánh.
Tây nhạc ức vạn năm hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần.

Chỉ có 18 đời vua mà cai trị 2.622 năm đã gây ra không ít hoài nghi, tuy nhiên trong các bản Ngọc phả, thần tích như bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê thì không phải là 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua:

“Dĩ thượng Hùng đồ thập bát diệp, tỷ phú truyền cơ thái bảo, nhất bách thập bát đại đế vương tốn vị nhất thống sơn hà”

Nghĩa là:

“Mười tám nhành nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín truyền quyền đại bảo trong khoảng 180 đời nhường ngôi đế vương, một mối non sông xa thư trị nước”.

Nhiều tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam chích quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh cũng viết là 18 ngành vua Hùng.

Trong Ngọc phả Hùng Vương thì chữ “đời” phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự có nghĩa là không phải một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Hiện ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa” thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế/chi/nhành Hùng Vương thứ 18.

Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương,
Nhất thống sơn hà thập bát vương.
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại,
Ức niên hương hoả ức niên phương.

Nghĩa là:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ viết: “Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được” (Việt sử tiêu án).


Việt Sử Tiêu Ánlà bộ sách sử viết bởi Ngô Thì Sĩ, hoàn thành năm 1775. Tác phẩm đề cập đến lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn ngoại thuộc nhà Minh.

TrongViệt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim cũng viết: “…Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy”.

Việt Nam sử lược là tác phẩm do nhà sử học Trần Trọng Kim biên soạn năm 1919. Tác phẩm này là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc) và được đánh giá là một trong những cuốn sách sử Việt Namcó phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920 và được tái bản rất nhiều lần, có lúc đã được dùng làm sách giáo khoa tại miền Nam trước năm 1975.

Bác Hồ nói chuyện tại đền Hùng


“Các Vua Hùng đã có công dựng nước thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Câu nói trên được Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ vào sáng ngày 19-9-1954 tại cửa Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thau, tỉnh Phú Thọ trước cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong.

Từ tháng 7 đến tháng 9-1954, trước khi về Hà Nội, Bác Hồ và cơ quan Trung ương chuyển từ xã Kim Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 18-9-1954, Bác đi từ Đại Từ (Thái Nguyên) trên chiếc xe Zeep mang biển số KT-032 (KT ký hiệu của Ban kiểm tra 12 – Bí danh của Văn phòng Phủ Thủ tướng) do đồng chí Ngọc điều khiển. Sáng 19-9-1954, Bác đi thăm khu vực di tích Đền Hùng.
Khoảng 9 giờ, có cán bộ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Trung đoàn 36, Trung đoàn 88 (Tu Vũ) và một số Tiểu đoàn trực thuộc của Đại đoàn đi từ 5 hướng: Từ núi Thằn Lằn (Vĩnh Phúc), từ Gia Thanh (Phù Ninh), từ Trại Cờ (Hiệp Hòa, Bắc Giang), từ Đại Từ ( Thái Nguyên) và từ Phùng (Hà Nội) đến hội tụ. Ngoài ra, còn có cán bộ văn công của Đại đoàn và nhà báo Nguyễn Khắc Tiệp – phóng viên báo Quân đội nhân dân. Bác ngồi trên cửa ngách bên phải Đền Giếng, đồng chí Song Hào và đồng chí Thanh Quảng ngồi trên bậc lát gạch cạnh Bác. Khoảng gần 100 các đồng chí cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn ngồi dưới sân Đền nghe Bác nói chuyện.
Trong hồi tưởng của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng thì vào thời điểm 9-1954, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 và là người có mặt trong buổi nói chuyện lịch sử ngày 19-9-1654 của Bác. Trong buổi gặp mặt đó Bác đã giảng giải: “Đền Hùng thờ các vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta”. Tiếp theo Người nói: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đồng thời Bác căn dặn và giao nhiệm vụ cho đơn vị về tiếp quản Hà Nội và nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Cách mạng Việt Nam, của Quân đội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới