184 chiến sĩ mũ nồi xanh là sứ giả yêu chuộng hòa bình

(PLO)- Đội công binh 184 người thuộc lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam vừa lên đường làm nhiệm vụ. Điểm đến lần này của các cán bộ, chiến sĩ là phái bộ UNISFA, có vị trí nằm ở Abyei, châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (GGHB VN), cho biết tất cả sĩ quan đi làm nhiệm vụ đều được giao nhiệm vụ là những sứ giả của một nền văn hóa yêu chuộng hòa bình.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng

Nhiệm vụ Liên Hợp Quốc đặt ra cho đội công binh VN là dễ dàng

. Phóng viên: Kể từ khi tham gia vào lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc (LHQ), đây là lần đầu tiên VN đưa một lực lượng lớn tham gia vào hoạt động này, chúng ta đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

+ Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (ảnh): Lực lượng tham gia lần này gồm đội công binh 184 người, đã có thời gian chuẩn bị hơn năm năm. Đây là lực lượng rất tinh nhuệ, có kiến thức rất tốt. Hơn nữa, về truyền thống, lịch sử công binh của chúng ta là một trong những ngành rất có uy tín và đã trưởng thành từ trong các cuộc kháng chiến trước đây.

Công binh của chúng ta ngày nay đã và đang xây dựng các công trình quốc phòng ở những quy mô, tầm vóc lớn hơn rất nhiều so với các công trình mà LHQ đang đặt ra với chúng ta.

. Nhiệm vụ mà LHQ đặt ra đối với lực lượng công binh lần này là gì?

+ Lần này LHQ chỉ đặt ra với chúng ta hai nhiệm vụ. Một là xây dựng các công trình như đường sá, sân bay hoặc các công trình dân dụng như lán trại, rãnh thoát nước, công trình dân sinh phục vụ đời sống của người tị nạn hoặc những sĩ quan, nhân viên GGHB ở các phái bộ.

Hai là xây nhà cao tầng (thực chất không quá bốn tầng). Đối với công binh của chúng ta, nghiệp vụ công binh hay nhiệm vụ LHQ đưa ra rất đơn giản và chúng ta hoàn toàn có năng lực để làm.

. Là người đứng đầu Cục GGHB VN, ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của công binh ta?

+ Công binh của chúng ta cũng được đào tạo qua các khóa huấn luyện tiền triển khai theo chuẩn của LHQ. Chúng ta bổ sung một số môn như công tác Đảng, công tác chính trị, bảo vệ an ninh, an toàn hay môn sống sinh tồn, đối ngoại quốc phòng, sản xuất nông nghiệp, trồng các cây như rau, tích hợp thành khóa huấn luyện.

Với sự chuẩn bị rất kỹ càng cùng sự quan tâm như vừa rồi, tôi tin tưởng chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương giao cho cũng như LHQ đang chờ đợi.

Trung tá ĐỗThị Hằng Nga thường đến cáckhu dâncưở châu Phi đểthăm người dânnghèo. Ảnh: GGHB VN
Trung ĐỗThị Hằng Nga thường đến cáckhu dânở châu Phi đểthăm người dânnghèo. nh: GGHB VN

Càng làm đẹp thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế

. Ngoài những nhiệm vụ được LHQ giao, cácsĩ quan GGHB VNcó được giao nhiệm vụ quảng bá hình ảnh VN ở nước bạn không, thưa ông?

+ Đối với tất cả sĩ quan đi làm nhiệm vụ GGHB, chúng tôi đều giao nhiệm vụ phải là sứ giả của một nền văn hóa yêu chuộng hòa bình. Không phải chỉ riêng công binh mà các lực lượng quân y, sĩ quan cá nhân của chúng ta cũng làm rất tốt nhiệm vụ này.

Sau tám năm, VN đã cử 76 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ LHQ. Đội công binh 184 người lần này đa phần là kỹ sư, chuyên gia máy, thợ xây dựng… bậc cao, được tuyển chọn từ 21 đơn vị để triển khai huấn luyện. LHQ đánh giá đội công binh của VN là đội tiêu biểu nhất trong số 15 đội công binh có nguyện vọng triển khai ở UNISFA và được chọn vào cuối tháng 10-2021.

Từ những hoạt động của các sĩ quan GGHB, chúng ta đã làm đẹp lên hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế, trong lòng người dân châu Phi và tất cả người dân yêu chuộng hòa bình khác. Chẳng hạn, các sĩ quan của chúng ta đã tận dụng thời gian rảnh để hỗ trợ các bà mẹ kiến thức nuôi dạy con trẻ, hỗ trợ người dân nước bạn trồng rau, trồng cây ăn quả hay dạy học cho các bé nhỏ, có khi một lớp dạy lên đến cả trăm bé. Họ nhìn thấy ở các hoạt động đó tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Họ nhìn thấy VN đúng là một dân tộc có nền văn hóa rất có trước, có sau.

. Ông có thể nói rõ thêm một dân tộc có nền văn hóa rất có trước,có sau là như thếnào?

+ Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giải phóng đất nước, chúng ta đã được các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều, ngày nay chúng ta đã có nền hòa bình bền vững như thế này, chúng ta đang giúp họ kiến tạo nền hòa bình, củng cố nền hòa bình trên đất nước họ.

Thông qua hoạt động GGHB này, LHQ cũng như các quốc gia ở châu Phi đã nhìn nhận VN là một đất nước rất yêu chuộng hòa bình và muốn làm lan tỏa tình yêu hòa bình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng công sức, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và cả xương máu của mình cho việc bảo vệ hòa bình trên thế giới. Nếu không có hòa bình thì không thể có phát triển được.

. Trong thực tế đã có sĩ quan VN hy sinh trong khi làm nhiệm vụ GGHB. Theo ông, tổn thất đó có là bài học kinh nghiệm hay giúp chúng ta có các biện pháp hạn chế thấp nhất việc đổ máu đối với các chiến sĩ không?

“Đối với tất cả sĩ quan đi làm nhiệm vụ GGHB, chúng tôi đều giao nhiệm vụ phải là sứ giả của một nền văn hóa yêu chuộng hòa bình.”

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng

+ Chúng tôi đã được Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng luôn luôn căn dặn đề cao đảm bảo an ninh, an toàn tốt nhất cho anh em. Vì vậy, sĩ quan của chúng ta được trang bị từ súng đạn, mũ sắt, áo giáp, xe bọc thép đến các phương tiện đảm bảo an ninh, an toàn khác.

Chúng ta cũng có những biện pháp, có sự đầu tư ở mức độ cao nhất. Thậm chí trong những doanh trại của chúng ta đều có những phương án tác chiến để có kế hoạch phòng thủ, có hệ thống trực ban, trực chỉ huy hằng ngày 24/7. Nếu có rủi ro gì đến là điều bất khả kháng. Tôi khẳng định lại là ưu tiên hàng đầu đối với một sĩ quan GGHB của VN đó là đảm bảo về an ninh, an toàn.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm