Theo thông báo, việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tập trung vào ba vấn đề lớn:
Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014 của QH. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp;
Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực;
Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.
Đã có 59 đại biểu QH đăng ký chất vấn Bộ trưởng.
Chỉ trong ít phút, tám câu hỏi của các đại biểu đã đặt ra với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên quan các vấn đề "nóng" của ngành giáo dục hiện nay như: đề án dạy ngoại ngữ 2020 có đạt mục tiêu; cả chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp; việc lựa chọn thi trắc nghiệm trong nhiều môn trong kỳ thi 2017; quá nhiều cơ sở đào tạo ngành luật; việc sử dụng sách giáo dục công nghệ trong khi chưa có chương trình mới...
191.000 sinh viên thất nghiệp, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm gì không?
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu.
Sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?
“Tình trạng sinh viên không có việc làm gây nhức nhối cho xã hội. Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này?” - đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng chất vấn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: “Tôi rất chia sẻ với con số đại biểu đưa ra. Tôi rất trăn trở với vấn đề này”.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay cả ĐH Harvard cũng vậy, vì cần thời gian để tiếp cận thực tiễn, phải đào tạo bổ sung thì mới thích ứng được với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng trong nhà trường hết sức quan trọng, để sinh viên ra trường không phải mất thời gian để đào tạo lại. Nếu phải đào tạo lại thì rất lãng phí, rất nguy hiểm bởi họ đã được đào tạo những thứ không có ích.
Phần lớn sinh viên có việc làm ngay rơi vào nhóm các trường top trên, những trường có bề dày kinh nghiệm.
Còn sinh viên chưa có việc làm, thất nghiệp lâu rơi vào nhóm các trường yếu hoặc mới thành lập. Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này.
Tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh mạnh về mạng lưới các trường ĐH, áp dụng các chuẩn để bảo đảm chất lượng trường để làm sao những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém thì được hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc trở thành một trường thành viên của một ĐH lớn. Ngoài ra, không nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng lên ĐH.
Không nhất thiết sinh viên phải học gần nhà. Quy hoạch các trường ĐH, các trường lớn ở các thành phố lớn hoặc quy hoạch theo vùng miền.
Chúng tôi đã làm việc với VCCI, với DN để có sự đào tạo lại các sinh viên ra trường.
Vừa rồi tôi đã chỉ đạo tất cả các trường ĐH phải báo cáo số lượng sinh viên thất nghiệp. Và tới đây, trong mùa tuyển sinh tới, nếu trường nào không báo cáo, báo cáo không đúng, hoặc số lượng sinh viên thất nghiệp cao chúng tôi sẽ mạnh dạn (dù giao quyền tự chủ cho các trường về chỉ tiêu) có những cách hạn chế việc này.
Ngay sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, một ĐB đứng lên đề nghị tranh luận lại: “191.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Bộ giáo dục Đào tạo có lỗi hay không? Theo tôi là có! Lỗi lớn nhất là đào tạo không gắn với nhu cầu, thích thì đào tạo. Quy hoạch các trường ĐH chưa hợp lý”.