• Mục đích tranh luận để được gì?: CNN ghi nhận ba cuộc tranh luận đều nhằm mục đích loại bỏ đối thủ. bà Clinton cần mọi người quên vụ bà choáng vì bệnh viêm phổi. Bà phải chứng tỏ ông Trump không có khả năng trở thành tổng thống vì là con người bất ổn, không đáng tin và về cơ bản là con người nguy hiểm cho quốc gia.
Mục tiêu của Donald Trump là cần, chứng tỏ có thay đổi để xứng đáng làm tổng thống. Đối với bà Clinton, ông phải làm cho mọi người tin rằng bà là người không giữ lời, không có tài năng và không ứng xử như nguyên thủ quốc gia.
• Chuẩn bị tranh luận thế nào?: Báo Washington Post đánh giá ông Trump không chuẩn bị cho cuộc tranh luận nên có thể mất bình tĩnh trước các câu hỏi của người điều phối cuộc tranh luận Lester Holt. Ngược lại, bà Clinton có vẻ đã sẵn sàng cho mọi tình huống đối phó với Trump.
Báo New York Times cho rằng hai ứng cử viên sẽ hướng cuộc tranh luận ngoài các chủ đề báo chí từng nói nhiều như sức khỏe và cách dùng thư điện tử của bà Clinton, các phát ngôn khó nghe của ông Trump.
• Dân Mỹ có quan tâm cuộc tranh luận?: Cuộc tranh luận được phát trên C-SPAN, ABC, CBS, Fox, NBC, CNN, Fox News, MSNBC và trên Facebook, YouTube, Twitter. Báo New York Times đánh giá số người theo dõi phải vượt qua con số kỷ lục 80 triệu người theo dõi cuộc tranh luận giữa Ronald Reagan và Jimmy Carter năm 1989.
Thăm dò của New York Times-CBS News cho thấy 83% cử tri có ý định sẽ xem cuộc tranh luận. Dấu hiệu cho thấy cử tri quan tâm là hồi đầu tháng đã có gần 15 triệu khán giả xem chương trình “Diễn đàn tổng tư lệnh” trên NBC và MSNBC. Trên diễn đàn này, hai ứng cử viên thay phiên nhau nói về an ninh quốc gia.
• Tranh luận ảnh hưởng gì đến bầu cử?: Không có gì chứng minh cuộc tranh luận sẽ thay đổi ý định bỏ phiếu của cử tri Mỹ. Theo thăm dò của New York Times-CBS News, chỉ 8% cử tri còn do dự chưa biết sẽ chọn ai. Hai chuyên gia Robert S. Erikson và Christopher Wlezien đã khảo sát các cuộc thăm dò từ năm 1960 và đưa ra kết luận: Tranh luận truyền hình không tác động mạnh so với đại hội toàn quốc của đảng.