20.000 học sinh học cách chống xâm hại thân thể

Chương trình nằm trong chuỗi chương trình “Bé tự lập - Bảo vệ bé không bị xâm hại thân thể” được một số bạn trẻ ở Hải Phòng khởi xướng.

Các bé học lớp 5 tuổi của Trường Mầm non Sakura Hải Phòng sẽ tham gia một câu chuyện giả định chuẩn bị đồ đi học. Các bé được phát cặp sách, các vật dụng (bao gồm: Ba-lô, đồng phục, quần áo, áo khoác, khăn mặt, khăn tắm, hộp đựng sữa, hộp đựng thuốc, mũ, khẩu trang...). Các nhân vật trong truyện Doremon gồm: Doremon, Nobita, Xuka, Chaien, Dekhi, Xeko và các cô giáo trường Sakura sẽ hướng dẫn các bé chuẩn bị đồ đi học mà không làm thay bé.

Tình huống các bé trên đường đi học

Tình huống các bé trên đường đi học và bị những người lạ dụ dỗ ra chỗ vắng là bài học thực tế cho các bé trải nghiệm. Ảnh: H.Đ

Khi các bé đi đến trường, sẽ có những người lạ được BTC chuẩn bị dụ dỗ các bé ra chỗ vắng.

Sau đó, các bé và phụ huynh, thậm chí các giáo viên của trường mầm non được hướng dẫn những phương pháp phòng chống việc bé có thể bị xâm hại thân thể từ những tình huống cụ thể phát sinh và những kiến thức chung.

Những người tham gia được phân tích một số tình huống trực tiếp: Các bé đi theo người lạ vì bị dụ là cô hiệu trưởng dặn đưa đi đường tắt để làm nhiệm vụ nhanh; bé đang khát nước và đi theo để uống nước. Có nhiều bé phát hiện bạn đi theo người lạ đến chỗ vắng nhưng không gọi và không báo cô giáo; có những bé về nơi tập kết, cô giáo điểm danh rồi vẫn bị dẫn đi.

Các bé hành trình theo câu chuyện Doremon.

Các bé hành trình theo câu chuyện Doremon. Ảnh: H.Đ

Các bé được thực hành những hành động sờ vào người, bị dọa nạt, được cho kẹo, uống nước, bắt trẻ làm những việc trẻ không muốn khi không có ai bên cạnh trẻ,…

Tại buổi giao lưu, đa số các phụ huynh cho biết họ có dặn bé không đi theo người lạ nhưng họ không ngờ các bé vẫn bị dụ đi theo người lạ. Mẹ của bé Sara (SN 2010) cho biết: “Cho các bé ra thực tế mới thấy nhiều điều bất cập. Chúng tôi sẽ tìm hiểu những thông tin cụ thể và sẽ theo các cách hướng dẫn để bé không bị dụ dỗ trong các tình huống tương tự”.

Người khơi ra ý tưởng chương trình “Bé tự lập - Bảo vệ bé không bị xâm hại thân thể” là anh Nguyễn Đình Huệ (SN 1988, ngụ 184 Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Nhà tôi cũng có con nhỏ. Do đặc thù công việc gắn liền với mạng online nên tôi biết những thông tin về việc các bé bị xâm hại ở Việt Nam quá nhiều. Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có những hoạt động tích cực để bảo vệ các bé. Riêng Hải Phòng thì mọi hoạt động im ắng quá. Chương trình sẽ triển khai điểm ở một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố. Các trường còn lại chúng tôi sẽ xin phát cẩm nang về cách phòng chống xâm hại thân thể cho bé. Chúng tôi hi vọng chương trình lan tỏa và tạo một động lực tích cực cho những phụ huynh khác cùng chung tay hành động vì con cái mình”.

Ngay cả các cô giáo cũng rút ra được nhiều bài học trogn cách dạy các em.

Ngay cả các cô giáo cũng rút ra được nhiều bài học trong cách dạy các em. Ảnh: H.Đ

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura Hải Phòng, cho biết: “Khi các bạn trẻ đưa ý tưởng, chúng tôi rất băn khoăn. Nhưng vào thực tế mới thấy giáo dục còn nhiều bất cập. Ngay cả các cô giáo cũng có những bài học, khi có cháu về đến nơi, cô cho xếp hàng rồi vẫn bị dụ đi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những buổi thực tế để tạo cho các cháu tính cảnh giác với người lạ; tránh những hậu quả đáng tiếc đã từng xảy ra ở nhiều nơi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm