Ngày 8-5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Mua bán nam giới có xu hướng tăng
Trên cơ sở các báo cáo của 12 bộ, ngành có liên quan và kết quả khảo sát về tình hình chấp hành pháp luật về mua bán người ở chín tỉnh biên giới, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xây dựng báo cáo nghiên cứu về chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2018-2022.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy trong kỳ báo cáo, cả nước đã phát hiện 440 vụ, với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, 1.240 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa tại phiên giải trình. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng. Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá” - bà Hoa nói và cho hay ở mội số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát.
Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Tư pháp đánh giá thời gian qua tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.
Cụ thể, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Cạnh đó là việc lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân… để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Bà Hoa cũng nêu việc lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.
Kiên quyết rút giấy phép doanh nghiệp xuất khẩu lao động không đủ điều kiện
Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng thừa nhận có tiềm ẩn nguy cơ mua bán người qua con đường đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thời gian qua có rất nhiều vụ việc như vậy.
Ông Lê Tấn Dũng thông tin số người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài là trên 500.000 người, số người ở lại bất hợp pháp khoảng 46.000 người.
Về phía các tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Dũng cho biết Bộ LĐ-TB&XH đang rà soát tiêu chí, điều kiện và thủ tục pháp lý. “Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì kiên quyết rút giấy phép” - ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên giải trình. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Trước lo ngại tiềm ẩn nguy cơ mua bán người từ việc kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi, nhất là báo cáo nghiên cứu đánh giá “thủ tục đơn giản”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định hồ sơ thực hiện rất chặt chẽ, rõ thẩm quyền. Sơ hở nếu có, theo ông Khôi, là ở khâu tổ chức thực hiện và phối hợp phòng, chống đặc biệt là khó khăn trong việc hợp tác xuyên quốc gia.
1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cảnh báo tội phạm mua bán người đang lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp.
178 nạn nhân dưới 16 tuổi
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong các vụ án liên quan mua bán người vừa qua có 744 nạn nhân nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi.
Về mục đích phạm tội, Bộ Công an thống kê có 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, bốn vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.
Về thủ đoạn phổ biến của tội phạm, có 55 vụ lợi dụng môi giới hôn nhân, 57 vụ lợi dụng việc môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài và 282 vụ với thủ đoạn khác.
Về công tác đấu tranh chống việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Đề án 06 xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến tình hình.
Ghi nhận Bộ TT&TT đã thực hiện mạnh mẽ, ông Ngọc nói đến ngày 15-4 đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong số đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội… Tất cả thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc hai chiều.
Ông Ngọc thông tin sắp tới, Bộ Công an sẽ bàn với phía ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. “Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền” - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các ngành như với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) để có dữ liệu dạy nghề. Từ đó giúp kiểm soát các trường hợp đi ra nước ngoài lao động, giảm việc lợi dụng buôn bán người thông qua việc đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp giải quyết vụ việc, truy xét và xử lý tội phạm, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới.