3 bị can ném đá vào lực lượng chức năng nói gì?

Ngày 22-6, Công an quận Bình Tân, TP.HCM tiếp tục điều tra Lê Trọng Nghĩa, Võ Văn Trụ và Phạm Thị Thu Thủy về tội chống người thi hành công vụ.

Cả ba công nhân đều là người làm việc lâu năm tại Công ty Pouyuen và có mức lương cao so với mặt bằng lương ở công ty này. Họ đã phấn đấu, cố gắng trong công việc nhiều năm, nay phải vào ngồi sau cửa trại giam.

Hối hận

Theo một cán bộ điều tra, từ ngày bị bắt giam cả ba bị can rất buồn rầu, một phần vì đang trong quá trình điều tra, chưa thể gặp người thân, một phần vì nhớ gia đình, vợ con và công việc.

Trong số này bà Thủy có cuộc sống khó khăn nhất. Người phụ nữ 44 tuổi là lao động chính trong gia đình có năm thành viên. Bà không biết chữ, liên tục khóc nhiều và nhớ con, nhớ gia đình. “Tôi là lao động chính. Ngoài mẹ già 78 tuổi còn ba người con đang ăn học. Cháu nhỏ nhất chỉ mới năm tuổi, giờ không biết xoay xở ra sao” - bà nói.

Khi được hỏi tại sao vào ngày 11-6 bà lại ném đá vào lực lượng cảnh sát cơ động một cách “nhiệt tình” như vậy, bà òa khóc. “Lúc đó đông lắm, có người nói không đi thì bị đánh nên tôi đi một chút rồi tôi quay lại. Khi quay lên thì nhiều người đi, người ta lại nói không đi là bị đánh nên tôi lại tiếp tục đi theo” - bà Thủy khai. “Tui cũng không biết chuyện gì, chỉ nghe nói là có công an đánh công nhân nên lượm một cục đá lên liệng, rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi liệng quá trời. Giờ hối hận cũng quá muộn rồi. Mẹ và con tôi ở nhà không biết ai chăm lo…” - bà khóc nấc.

“Sau đó tôi đi làm bình thường vì không biết mình phạm tội, nếu biết thì tôi đã lên công an đầu thú rồi. Mấy anh em khác đừng như tôi, làm như vậy mình khổ, gia đình mình khổ nữa” - bà nói.

Phạm Thị Thu Thủy và Lê Trọng Nghĩa bị bắt sau khi ném đá vào lực lượng cảnh sát. Ảnh: N.TIẾN

Bị kích động nên làm theo

Cùng tâm trạng với bà Thủy, Nghĩa cũng khai mình không biết tại sao nhiều công nhân chạy qua chỗ mình đang làm kêu tắt đèn, không đi làm nữa. “Tôi không tự chủ được nên nghe theo, đặc biệt là khi nghe tiếng pháo nổ ở ngoài tôi càng tò mò. Khi ra ngoài thì thấy người ta nói về đặc khu, tôi cũng chỉ biết vậy thôi chứ không biết đặc khu là gì, nó nằm ở đâu. Khi thấy mọi người ném đá, tôi cũng làm theo. Bây giờ tôi rất ăn năn, xin luật pháp giảm nhẹ tội. Mấy anh em công nhân cũng đừng nghe lời ai hành động như tôi để rồi phải sa vào tù tội” - Nghĩa nói.

Theo Công an quận Bình Tân, vào ngày 11-6, khi Nghĩa đang làm việc tại công ty thì thấy một số công nhân nghỉ việc kéo đi biểu tình. Nghĩa thấy vậy nên đi theo đến bức tường của khu A công ty. Tại đây, nam thanh niên đã leo lên để xem thì thấy công nhân dùng gạch đá ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, do quá khích nên Nghĩa cũng dùng gạch đá ném thẳng vào lực lượng cảnh sát cơ động.

Riêng với Trụ, vào ngày 11-6, khi ùa theo các công nhân ra về, Trụ nghe ai đó nói rằng có công an đánh công nhân. “Tôi nghe nói công an đánh công nhân tét đầu chảy máu rồi nhiều người kéo đi, thấy vậy nên tôi đi theo chứ tôi có thấy ai đánh công nhân đâu, cũng không thấy công nhân nào bị tét đầu chảy máu” - Trụ khai.

Trụ sau đó nhìn thấy nhiều công nhân đang xô đẩy với cảnh sát cơ động thì hùa theo. “Tôi thấy nhiều người ném đá vào cảnh sát cơ động nên bắt chước ném theo chứ không có mục đích gì” - Trụ nói.

“Bây giờ tôi rất hối hận, lúc mình làm thì mình không thấy cái ngu của mình. Đến giờ thì muộn rồi! Lúc đầu mình chỉ đi xem rồi làm theo. Khi tìm hoài không ra cục đá nào, thấy tảng đá lớn gần đó nên tôi bê bằng hai tay quẳng vào lực lượng cảnh sát cơ động” - Trụ kể.

Theo cán bộ điều tra, cả ba công nhân đều làm việc tại Công ty Pouyuen đã lâu, Trụ làm đã được 10 năm, người này có vợ cũng làm công nhân, hiện hai vợ chồng phải nuôi hai con nhỏ còn ăn học. “Những người này khi bị bắt đều ý thức được một điều rằng hành động của mình là sai và tỏ ra hối hận. Họ biết rằng việc phấn đấu, chăm chỉ làm việc tại công ty đã bị mất sau những hành động dại dột” - cán bộ điều tra nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm