Hơn 8 giờ sáng, khuôn viên Trạm Y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Đây là nơi có một lớp học đặc biệt: Lớp học dành cho các học sinh là người bị bệnh Down, bại não, câm điếc bẩm sinh.
Lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng nhưng trước đó các học sinh đã được tập vật lý trị liệu bằng những dụng cụ và máy chuyên biệt.
Em 20 tuổi, mẹ chở em đi học
Hành trang các học sinh mang theo chỉ là chiếc bảng đen, một vài viên phấn, cuốn tập, 2-3 cây bút chì.
Vừa bước xuống xe, em Nguyễn Thị Hồng Chinh đã chạy ngay tới chiếc máy tập vật lý trị liệu và hì hục đạp. Chỉ tay về đứa con gái tội nghiệp, chị Cao Thị Bệt - mẹ Chinh nói: “Vừa sinh ra Chinh đã bị bệnh Down, nhìn ngờ nghệch, ngây ngô thế chứ nay Chinh đã gần 25 tuổi. Chinh thích học lắm, chỉ cần được mẹ chở đi học, bảo gì Chinh cũng làm”.
Khi học sinh đã tới đầy đủ, cô Lê Thị Nguyệt, cô Trang Thị Hồng Vân cùng ông Phạm Văn Tay và bà Phạm Thị Loan (Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi) sẽ mời các em cùng cha mẹ vào phòng học (là phòng mượn tạm của trạm y tế xã).
Lớp học gồm 25 học sinh nhưng không em nào bình thường. Có em bị bại não, em bị Down, em bị khiếm thính, em lại câm điếc bẩm sinh và đều là nạn nhân của chiến tranh. Dù chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, hậu quả của nó vẫn còn tồn tại đến bây giờ với những con người không lành lặn về tinh thần và cả thể xác.
Thân hình khiếm khuyết, bước đi khó nhọc, nhiều em không thể tự đi lại nên phụ huynh phải vào học cùng để hỗ trợ con.
Chị Võ Kiếm Vinh dìu con Đặng Thái Bình đi từng bước vào lớp. Vừa kê lại ghế ngồi cho con, chị vừa nói: “Sau một trận sốt, Bình bị bại não. Dù bệnh tật nhưng Bình mê học lắm. Tuần nào cũng bảo mẹ chở đi. Có hôm trời mưa to, lớp học tạm nghỉ, thế là Bình nhăn nhó, mặt buồn thiu. Rồi có lần tôi bị xuất huyết não, phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Bình sợ tôi chết nên khóc nức nở, bảo “mẹ chết rồi ai chở con đi học””.
Ngồi chăm chú nhìn em trai Thái Minh Trung nghe cô giảng, chị Thái Thị Ngọc Lệ chia sẻ: Như người bình thường 30 tuổi đã có gia đình, sự nghiệp, đằng này em trai chị chẳng biết làm gì, tính khí thất thường lại hay quậy phá. “Vậy nhưng từ hồi đi học, tính khí em đỡ cộc cằn hơn trước. Ở nhà hay quậy nhưng tới lớp thì ngồi yên nghe cô giảng. Nhìn vậy chứ mê học lắm, hôm nào tôi bận không đưa tới lớp là mặt buồn thiu” - chị Lệ tâm sự.
Cô Lê Thị Nguyệt giúp học sinh làm toán và viết số. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Nào cùng học phép cộng trong phạm vi… 6”
Khi lớp học đã tạm ổn, cô Nguyệt bắt đầu giới thiệu bài học. “Hôm nay, lớp chúng ta học phép cộng trong phạm vi 6” - cô Nguyệt tuyên bố. Cô viết phép tính lên bảng rồi vừa đọc từng số, vừa dùng ký hiệu bằng tay để giảng. Sau đó cô lần lượt mời từng bạn đứng lên đọc và làm.
“Với những phép tính đơn giản, đối với trẻ bình thường có khi chỉ cần 10 phút là xong. Thế nhưng đối với các em ở lớp học này, có khi mất nguyên một buổi” - cô Nguyệt tâm sự.
Dù bước đi khó khăn nhưng vì ham học nên em Nguyễn Hồ Anh Thư bao giờ cũng xung phong lên bảng làm bài. Để hỗ trợ, cô Nguyệt cùng mẹ em là chị Hồ Thị Mỹ mỗi người một bên dìu Thư lên bảng. “Thư tiếp thu bài khá tốt, chỉ có điều bị ảnh hưởng của bại não nên em đi lại rất khó nhọc” - cô Nguyệt nói. Chị Mỹ tiếp lời: “Cháu bị bại não, tay chân khó có thể vận động nhưng rất ham học. Từ khi được đi học cháu vui hẳn. Cháu đã có thể đọc, viết được một số từ đơn giản”.
Với những em khó viết bài, chính cô Nguyệt, cô Vân và phụ huynh sẽ cầm tay đưa từng nét phấn cho các em. Bạn nào cũng thích thú khi nhìn thấy những con số to, tròn, đẹp hiện rõ trên nền bảng đen.
Hiểu về bệnh lý cũng như trình độ của các em nên các cô luôn soạn một giáo trình phù hợp với khả năng nhận thức của các em. Lần giở những trang bài giảng cho từng buổi, cô Nguyệt nói: “Có khi hai tiếng chỉ dạy chữ O, chữ Ô hoặc dạy những phép cộng, trừ đơn giản. Chỉ mong sao các em thấy vui khi đi học”.
“Anh học đi rồi… cô thương!”
Khi hỏi lý do gắn bó với lớp học này, cô Nguyệt cười nói: “Đơn giản vì thấy thương các em thôi. Hơn nữa tôi là sinh viên khoa giáo dục đặc biệt, đang dạy ở Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Củ Chi. Tôi làm công việc này vì muốn làm tròn trách nhiệm, đúng vai trò của một nhà giáo”.
Cũng theo cô Nguyệt, do các em không giống trẻ bình thường nên dù lớp học có hơn 20 em nhưng phải hai cô đứng lớp. Trong khi cô Nguyệt giảng bài thì cô Vân ở dưới chỉ dẫn các em cách viết, cách đọc. Cô Nguyệt cho hay điều khiến cô vui là thấy học sinh sau khi học có thể giao tiếp được với cha mẹ, biết được một số từ ngữ đơn giản.
Cạnh đó, dạy các em thì cần phải kiên trì và nắm bắt tâm lý. “Ở lớp học này, do tôi trông nhỏ con nên hay bị học trò chọc. Có anh học trò 35 tuổi, thích tôi nên hay ghẹo, mắc cỡ. Mỗi lần bảo viết bài đều im lặng. Tôi thấy thương vì anh đã ngoài 30 tuổi, cái tuổi cũng mong có được một người yêu thương, quan tâm tới. Vì hiểu nên tôi cũng giỡn lại: “Đọc đi rồi Nguyệt thương”, thế là anh chịu học bài liền” - cô Nguyệt cười.
Cũng vì thương các em, cô Vân đã tình nguyện đứng lớp suốt hơn một năm qua. Từng tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng sau khi ra trường cô Vân xin vào làm nhân viên kinh doanh ở quận Phú Nhuận. Khi biết lớp học cần giáo viên, cô Vân đã tham gia giảng dạy ngay. Và cứ thế, hằng tuần cô lại chạy từ trung tâm TP lên Củ Chi dạy các em. “Tôi thấy thương các em nên gắn bó đến giờ. Mỗi khi tới lớp, thấy các em tiến bộ tôi lại thấy vui” - cô nói.
Giúp các em tránh bị xâm hại tình dục Các em vốn là những người thiệt thòi. Với mong muốn xoa dịu nỗi đau cho các em, được sự tài trợ của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, hội đã tổ chức lớp học đặc biệt này. Đây là nơi để các em vừa tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, vừa học văn hóa. Đây là bước đệm giúp các em biết đọc, biết giao tiếp, tránh nguy cơ bị lôi kéo làm việc xấu hoặc bị xâm hại tình dục. Ông PHẠM VĂN TAY, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi, TP.HCM |