35 năm văn học nghệ thuật TPHCM - một “thế hệ vàng”

Nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao, ý nghĩa lâu dài, phản ánh đúng đắn hiện thực cuộc sống trong giai đoạn tái thiết đất nước, thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong mùa vui kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi dành bài này để ghi nhận những thành quả VHNT đã gặt hái được.

Trăn trở, tìm tòi và đổi mới

35 năm qua, Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM cùng các hội chuyên ngành của TP: Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh... đã tác động sâu sắc đến đời sống VHNT TP.

35 năm văn học nghệ thuật TPHCM - một “thế hệ vàng” ảnh 1

Các tác giả thuộc “thế hệ vàng” của văn học TPHCM trao đổi với nhà thơ lão thành Kiên Giang. Từ phải qua: nhà văn Trần Tử Văn, các nhà thơ Lâm Xuân Thi, Kiên Giang (Hà Huy Hà) và Hồ Thi Ca

Mảng văn học TPHCM khỏe khoắn với những nhà văn nhà thơ kháng chiến: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Thanh Giao, Nguyễn Hiểu Trường (Trần Bạch Đằng), Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Duy, Văn Lê... các tác giả từ Hà Nội vào: Chế Lan Viên, Hoài Anh, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn... Dần dần “lột xác” để hình thành và trở nên đông đảo nhất là lực lượng các tác giả tại chỗ, có người ít nhiều cầm bút từ trước, có những cây bút hoàn toàn mới xuất hiện từ sau cột mốc 30-4-1975... Đa dạng về nguồn gốc, nhiều “binh chủng”, phong phú về phong cách sáng tác các tác giả đã làm nên một nền văn học rất đặc trưng của TPHCM, xóa dần “cái bóng” ốm yếu của văn chương Sài Gòn cũ.

TPHCM lớn nhất cả nước nên âm nhạc là một lĩnh vực có nhiều tác động rộng lớn. Sau 35 năm, TPHCM đã có một thị trường âm nhạc lớn mạnh thu hút không chỉ các ca, nhạc sĩ cả nước mà “hút” cả các ca, nhạc sĩ hải ngoại trở về tham gia biểu diễn. Không chỉ có thị trường, Hội Âm nhạc và chính quyền TP còn tạo điều kiện khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc, hợp xướng. Phát triển, đáp ứng nhu cầu công chúng nhưng phải luôn kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong đời sống âm nhạc là một đòi hỏi bức bách của các nhà quản lý âm nhạc TPHCM.

Từ thực trạng sân khấu Sài Gòn trước 1975 hoàn toàn là sân khấu của các đoàn cải lương, kịch nói của các ông bầu, bà bầu – sau giải phóng, sân khấu Sài Gòn làm quen với các đoàn kịch, cải lương “quốc doanh” (như Đoàn kịch nói Nam bộ) và “tập thể” rồi được “xã hội hóa” với nhiều nhà hát, sân khấu mọc lên... “Lĩnh xướng” cho sân khấu TPHCM là 3 nhà hát quốc doanh: Trần Hữu Trang, Kịch Thành phố và Ca múa Bông Sen. Sân khấu TPHCM còn đa dạng với các nhóm nghệ sĩ sân khấu, nghệ sĩ hài hoạt động tự do. Nhờ phong phú, nhiều màu sắc mà sân khấu TPHCM luôn có lượng khán giả liên tục tăng ổn định, các sàn diễn luôn sáng đèn. Sân khấu TPHCM những năm qua còn đầu tư dàn dựng những vở lớn như Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát Kịch Thành phố), Ngàn năm tình sử (Idecaf, nói về Lý Thường Kiệt) hoặc vở có chiều sâu như Bí mật vườn Lệ Chi (Idecaf), Cánh đồng bất tận (Nhà hát Sân khấu nhỏ), Số đỏ (Kịch Phú Nhuận)... thực tế này đánh bạt đi quan điểm cho rằng sàn diễn TPHCM tuy năng động nhưng nặng tính giải trí, chạy theo thị hiếu khán giả, thiếu những vở diễn hoành tráng...

35 năm văn học nghệ thuật TPHCM - một “thế hệ vàng” ảnh 2

NSƯT Thành Lộc (giữa), một tài năng thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu TPHCM

Điện ảnh TPHCM hoạt động ngay từ những ngày mới giải phóng Sài Gòn để sản xuất kịp thời những bộ phim gây được tiếng vang, tạo dấu ấn lịch sử điện ảnh như Cô Nhíp (1976), Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1979), Mẹ vắng nhà (1979), Bài ca không quên (1983)... Điện ảnh TPHCM lâm vào một thời đoạn (cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990) khá “hỗn loạn” với hàng loạt sản phẩm thương mại được gọi là “phim video mì ăn liền”.

Khi nền kinh tế ổn định và phát triển, khán giả được tiếp xúc nhiều siêu phẩm thế giới, thị hiếu xem phim nâng lên tầm cao nghệ thuật mới, phim “mì ăn liền” hết thời và điện ảnh TPHCM như con tằm vất vả xé toang chiếc kén để bắt đầu lột xác với những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa như phim Vị đắng tình yêu, Hãy tha thứ cho em, Lương tâm bé bỏng, Canh bạc, Dấu ấn của quỷ, Xương rồng đen... Ngày nay, cánh cửa điện ảnh trong nước đã rộng mở, nhiều thành phần kinh tế chung tay làm điện ảnh, không ít nhà làm phim TP đã bước ra với quốc tế, ngược lại đông đảo các nhà làm phim Việt hải ngoại đã trở về sản xuất phim ngay tại quê nhà.

Các lĩnh vực nghệ thuật khác như mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc... cũng từng bước tùy vào đặc thù của ngành mà có những phát triển vượt bậc. Nhiều họa sĩ TPHCM đã mang tranh triển lãm nước ngoài, không ít nhiếp ảnh gia TP đoạt giải thưởng lớn các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, kiến trúc sư TP cũng vững bước trước nhiều giải lớn quốc tế.

“Thế hệ vàng” của VHNT TPHCM

Sau 1975 - khác với các lĩnh vực kinh tế, xã hội - VHNT TPHCM như một “vùng trắng” vì sự chuyển đổi hệ tư tưởng sáng tác, thưởng thức. Các chuyên ngành VHNT TP dần dần hình thành tác giả, diễn viên mà trở nên đông đảo nhất là lực lượng nhân lực tại chỗ. Thế hệ tác giả, nghệ sĩ đầu tiên sau 1975 ngày nay đã trở thành “thế hệ vàng” của nền VHNT TPHCM.

“Thế hệ vàng” này ở mảng văn học có người ít nhiều cầm bút từ trước như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thái Dương, Trần Hữu Dũng, Đỗ Trung Quân... và những cây bút hoàn toàn mới xuất hiện từ sau cột mốc 30-4-1975 như Lê Thị Kim, Trần Tử Văn, Hồ Thi Ca, Võ Phi Hùng, Cao Vũ Huy Miên, Lâm Xuân Thi, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương... Họ đã cùng thế hệ đàn anh xây dựng nền móng vững vàng cho nền văn học mới của TPHCM cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối một cách tự tin, họ là: Ly Hoàng Ly, Bùi Thanh Tuấn, Phan Trung Thành, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang...

“Thế hệ vàng” của điện ảnh xuất hiện chậm hơn, từ những năm 1980, đó là các đạo diễn Lê Hoàng, Vinh Sơn, Đào Bá Sơn... Thế hệ diễn viên vàng có thể kể đến Lâm Tới, Thúy An, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Công Hậu, Mỹ Duyên, Thiệu Ánh Dương, Ngọc Hiệp... Hiện nay một lứa diễn viên trẻ, đẹp đang làm nên diện mạo mới cho điện ảnh TPHCM như Hồng Ánh, Trương Minh Quốc Thái, Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Hiếu Hiền...

Khẳng định tài năng, bên kịch nói có Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Hoàng, Khánh Hoàng, Hữu Châu, Thành Hội, Công Ninh...; cải lương có Kim Tử Long, Vũ Linh, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm... Ngày nay, khi “thế hệ vàng” đã bước vào tuổi ngũ tuần họ nhanh chóng được tiếp nối bởi một thế hệ nghệ sĩ mới, đang xác định chỗ đứng, bên kịch nói là: Đại Nghĩa, Đình Toàn, Đức Thịnh, Tuấn Khải, Lê Khánh, Mai Phương, Thanh Vân, Hoàng Lan...; bên cải lương tuy ít hơn nhưng vẫn có Quế Trân, Hữu Quốc, Trinh Trinh...

Các nhạc sĩ “thế hệ vàng” của TPHCM xuất hiện gần như đồng thời với “thế hệ vàng” bên mảng văn học, đó là: Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Vi Nhật Tảo, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Phạm Đăng Khương, Thế Hiển, Thanh Tùng... Các giọng ca thuộc thế hệ này đến nay đã gần như vắng bóng: Nhã Phương, Bảo Yến, Ngọc Yến, Đình Văn, Cẩm Vân... Thế hệ ca, nhạc sĩ trẻ hiện nay rất đông đảo, làm nên một thị trường âm nhạc lớn nhất cả nước...

35 năm, một giai đoạn VHNT đã trở thành thành quả. Bối cảnh mới đòi hỏi ngày càng cao đối với đội ngũ tác giả, nghệ sĩ trẻ để tiếp tục sáng tạo nên những “sản phẩm chất lượng cao” phục vụ một thế hệ công chúng mới của TPHCM.
  

Theo ANH HỒ (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm