Theo đó, một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này có thể được cơ sở KCB khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp. Để thực hiện được điều này, phòng thí nghiệm của các BV phải có chất lượng tương đương, đáp ứng được các tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra. Liên thông xét nghiệm chỉ áp dụng với một số loại xét nghiệm có thể liên thông được và kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Mỗi BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn.
Theo số liệu từ Cục Quản lý KCB, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV mỗi năm đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỉ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình 10% mỗi năm. Do đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV sẽ là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng thì việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng.
Theo lộ trình, đến năm 2020 ngành y tế sẽ thực hiện liên thông xét nghiệm với các BV trong cùng một tỉnh, TP. Đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả cơ sở KCB trên toàn quốc.