Bộ Y tế trả lời về đề nghị cân nhắc sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc sửa tổng thể Luật Bảo hiểm y tế thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thông qua tại một kỳ họp theo quy trình rút gọn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Dự án Luật được trình gấp, gây áp lực cho đại biểu

Theo đó, có đại biểu Quốc hội cho rằng dự án Luật Bảo hiểm y tế tập trung vào những nội dung mang tính chất cấp bách, cần giải quyết ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mang tính khả thi cao.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan, khắc phục những khó khăn, bất cập nhằm đảm bảo quyền lợi các đối tượng chịu tác động.

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc sửa tổng thể mới đáp ứng yêu cầu, thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thông qua tại một kỳ họp theo quy trình rút gọn.

“Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi dự án Luật này được trình trước Quốc hội theo quy trình một kỳ họp. Việc đưa dự án Luật vào chương trình kỳ họp quá gấp, gây áp lực cho đại biểu Quốc hội; đề nghị Chính phủ nghiên cứu và báo cáo thời gian sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế”, ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu trong báo cáo.

luật bảo hiểm y tế.jpg
Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc sửa tổng thể Luật Bảo hiểm y tế, thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều. (Ảnh minh hoạ: TT)

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT phải dựa trên nguyên tắc cân đối thu - chi của quỹ BHYT, ổn định và phát triển bền vững của quỹ BHYT; cần đánh giá tác động việc mở rộng chính sách đến khả năng chi trả, cân đối của quỹ BHYT.

Ngoài ra, việc xử lý liên quan đến chuyển 4 tuyến thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật là những quy định xử lý tình huống để phù hợp, có thể thiết kế trong Nghị quyết chung hoặc có riêng một nghị quyết về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần đề nghị rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của hoạt động BHYT trong thực tế để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế một cách bài bản và đảm bảo phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội.

Các nội dung trong Luật Bảo hiểm y tế cần quy định cụ thể để có thể triển khai thực hiện ngay và thuận lợi cho việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của một số chính sách nếu không được đánh giá tác động kỹ lưỡng; cần đánh giá tác động kỹ hơn với một số chính sách lớn đến khả năng cân đối quỹ BHYT khi mở rộng đối tượng tham gia và mở rộng phạm vi được hưởng cho người tham gia BHYT.

Sẽ có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Phản hồi những ý kiến kiến nghị trên, Bộ Y tế cho biết các vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã rà soát, thống kê các phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu, giải pháp phát triển BHYT.

Các nội dung phát sinh trong thực tiễn cần được cập nhật, thực hiện theo nhiệm vụ Chính phủ, Quốc hội giao và đã thể hiện trong các báo cáo, tài liệu kèm theo hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1-1-2025, nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách.

“Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ đối với các nội dung chưa sửa đổi trong lần này để đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế trong thời gian tới nhằm khắc phục tối đa các vướng mắc, bất cập”, báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Luật Bảo hiểm y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP

Đối với các nội dung được điều chỉnh trong dự án Luật, Bộ Y tế khẳng định đã thực hiện rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ đối với các nội dung đề xuất sửa đổi và được thể hiện tại báo cáo đánh giá tác động gửi kèm hồ sơ Luật.

Báo cáo đánh giá tác động đã dự kiến nguồn lực tăng thêm và đánh giá, phân tích chi phí, hiệu quả cho thấy có tính khả thi, đủ nguồn lực để thực hiện và quỹ BHYT bảo đảm cân đối thu, chi đối với các chính sách đã đề xuất trong ngắn hạn.

Tổng cân đối thu - chi quỹ dự kiến đến cuối năm 2025 là gần 53 nghìn tỉ đồng.

Đối với nội dung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBTV Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội về tăng quyền lợi cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tỉnh được thanh toán 50% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, thì số chi phí tăng lên có thể ước tính được chưa đầy đủ là khoảng hơn 1.131 tỉ đồng mỗi năm và chưa tính các chi phí phát sinh khác.

Như vậy, theo Bộ Y tế, quỹ BHYT có thể sẽ không bảo đảm cân đối từ năm thứ 4 thực hiện chính sách thông cấp cơ bản.

Trong thời gian đó, Bộ Y tế cho biết Chính phủ sẽ tính toán để có thể tăng mức đóng BHYT hoặc đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp. Đồng thời, tại dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định lộ trình để bảo đảm khả thi, cân đối.

Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật để kịp thời trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành.

“Do thời gian trình dự án Luật Bảo hiểm y tế gấp, Bộ Y tế mong các đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý để hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và được Quốc hội thông qua trong 1 kỳ họp để bảo đảm tiến độ, chất lượng và đồng bộ về thời điểm thực hiện đối với các luật có liên quan”, báo cáo của Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm