Thông tin được ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết bên lề hội thảo “Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024”, ngày 31-10.
Thuốc mới giá cao, ít người được tiếp cận
Theo Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), hiện Việt Nam đã cập nhật được thuốc mới cũng như thực hiện được các phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên, nhiều thuốc mới có giá cao nên ít người bệnh được sử dụng.
“Nhiều loại thuốc mới đã được đưa về nhưng trong danh mục chi trả của BHYT chưa có, bệnh nhân phải tự túc chi phí. Chúng tôi đã và đang cố gắng phối hợp, nghiên cứu và đề xuất để có thể đưa được nhiều thuốc hơn vào danh mục thuốc được BHYT chi trả nhằm tạo thuận lợi hơn cho người bệnh” - ông Quảng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Dự báo đến năm 2030, khoảng 75% số ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trong 50 năm tới, gánh nặng ung thư dự kiến tăng 400% ở các nước thu nhập thấp, 168% ở các nước thu nhập trung bình.
Ở các nước thu nhập cao, tỉ lệ này là 53% do tác động của gia tăng dân số, tuổi thọ, đô thị hóa và thay đổi lối sống.
Trong khi 90% bệnh nhân ở các quốc gia thu nhập cao có thể tiếp cận xạ trị, thì ở các quốc gia thu nhập thấp tỉ lệ này là 10% và 50-60% ở các quốc gia thu nhập trung bình.
"Điều này nêu bật sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thu nhập cao và thu nhập thấp - trung bình, trong đó có Việt Nam" - ông Thuấn nói.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2022, Việt Nam ước tính có 180.480 ca mới mắc ung thư và 120.184 ca tử vong do ung thư.
Làm chủ nhiều kỹ thuật mới điều trị ung thư
“Dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng suốt những năm qua, chuyên ngành ung thư đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tỉ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K và một số bệnh viện đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới” - ông Thuấn nhấn mạnh.
Việt Nam đã hoà nhập với cộng đồng ung thư thế giới, sự phát triển trong công tác nghiên cứu, điều trị ung thư cũng như trình độ ngoại ngữ phục vụ lĩnh vực này đã được quốc tế công nhận.
Theo ông Quảng, tại Việt Nam, hiện tỉ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đã nhiều hơn, các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ung thư đều cập nhật được. Việt Nam cũng đã tham gia vào nhiều nghiên cứu, tổ chức mà trước đó chưa được tham gia.
Nếu như trước những năm 90, phương pháp điều trị đa mô thức bệnh ung thư (điều trị ung thư kết hợp nhiều phương pháp phẫu thuật - hoá trị - xạ trị) còn chưa phổ biến, thì hiện nay nhiều bệnh viện, trong đó có các bệnh viện tỉnh, đã áp dụng và điều trị bệnh theo phương pháp này.
Để điều trị bệnh ung thư cần yếu tố cá thể hoá, bởi mỗi người, dù cùng một bệnh ung thư, nhưng vẫn có đặc điểm riêng về bệnh học, giới tính, độ tuổi, bệnh kèm theo, tình trạng sức khoẻ… Mỗi loại ung thư lại có một loại tế bào khác nhau, đơn cử như ung thư phổi có 2 nhóm, mỗi nhóm từ 30 đến 40 loại.
“Cần định vị rõ để sau đó có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm điều trị trọng tâm hơn. Bệnh ung thư cần được điều trị đa mô thức, tức là kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị để mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân” - ông Quảng nói thêm.
Trong 2 ngày 31-10 và 1-11, Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024".
Hội thảo có sự tham gia của hơn 1.300 nhà khoa học, chuyên gia, nhân viên ngành y tế trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức, về quản lý bệnh viện... Từ đó góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành điều trị ung thư.