4 ưu tiên của ngoại giao Việt Nam 2023

4 ưu tiên của ngoại giao Việt Nam 2023

(PLO)- Trong bối cảnh thế giới năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động ngoại giao trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCMnhân dịp năm mới 2023, Đại sứ Luận Thùy Dương (nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam (VN) tại Myanmar, nguyên Tham tán Công sứ tại Mỹ) chia sẻ những trọng tâm và các phương thức ngoại giao chủ đạo của VN để thích nghi với thế giới được dự báo là phức tạp, thách thức và khó lường trong năm 2023.

NHIỀU THÀNH TỰU GIỮA THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG

. Phóng viên :Đại scm nhn như thế nào vtình hình thế gii trong sut mt năm qua?

+ Đại sứ Luận Thùy Dương (ảnh): Đúng là thế giới trong năm qua tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Những rủi ro chính trị, an ninh đang dần leo thang đến mức cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế thế giới trì trệ đi đôi với tình trạng lạm phát cao. Chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu chịu tổn thương lớn kéo theo mức độ đầu tư suy giảm. “Vòng xoáy” cạnh tranh giữa các cường quốc tiếp tục phức tạp, gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Thế nhưng, điều đáng mừng là thế giới cũng có nhiều điểm sáng, điển hình là các liên kết quốc tế vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là “liên kết số”. Với VN thì tin vui là khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan. Các giải pháp huy động lực lượng, nhất là hợp tác đa phương, tiếp tục được đẩy mạnh và diễn ra linh hoạt. Các nước bắt tay nhau giải quyết nhiều vấn đề về y tế, môi trường, công nghệ xanh, văn hóa, xã hội

Đại sứ Luận Thùy Dương

Đại sứ Luận Thùy Dương

. Trong bối cảnh ấy, ngoại giao VN đã thhin như thế nào trên các din đàn song phương, đa phương, thưa đại sứ?

+ Bối cảnh thế giới đã tạo những thuận lợi, thời cơ đan xen với khó khăn, thách thức, cũng như những yêu cầu phức tạp hơn đối với VN. Tôi muốn nhấn mạnh sự nỗ lực của tất cả bộ, ban ngành, của tất cả người dân trong năm 2022 nhiều biến động, khó khăn. Đối với ngành ngoại giao, chúng ta đã tiên phong thực hiện bốn nhiệm vụ: (i) Tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; (ii) làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác quan trọng; (iii) tranh thủ thời cơ và thu hút hiệu quả nguồn lực bên ngoài, góp phần phục vụ phục hồi, phát triển bền vững và (iv) nâng cao vị thế, uy tín của VN.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm qua đã tham gia rất nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến, tiến hành nhiều chuyến thăm chính thức tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Đặc biệt, phải kể đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, đề ra được định hướng lâu dài cho quan hệ song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Mỹ trong bảy ngày với 60 hoạt động cả song phương lẫn đa phương tại bốn TP lớn của Mỹ. VN cũng đón nhiều đoàn cấp cao không chỉ từ các nước đối tác chiến lược mà cả lãnh đạo các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc (LHQ).

Điển hình, VN được tín nhiệm bầu vào những vị trí quan trọng, đặc biệt là Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Các diễn đàn đa phương như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao sự tích cực, chủ động và nêu sáng kiến của VN. Tòa Trọng tài thường trực (cơ quan giải quyết các tranh chấp quốc tế) cũng đã tin tưởng mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

NGOẠI GIAO ĐÓNG GÓP LỚN CHO CÁC NGÀNH

. Để đạt được những thành tựu đáng chú ý như đã nêu trên, ngành ngoại giao đã liên kết, phối hợp với các bộ, ban ngành trong nước và quốc tế ra sao?

+ Về kinh tế, Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều hoạt động giúp các địa phương, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp… kết nối với các đối tác thương mại và đầu tư; hỗ trợ ký kết các văn bản hợp tác quốc tế; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của VN trong các tranh chấp thương mại. Việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý nghi bị lừa đảo đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp VN là một điển hình cho đóng góp tích cực của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài, vào công tác ngoại giao kinh tế.

Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị nhiều sáng kiến liên kết kinh tế mới, tư vấn chính sách kinh tế với Chính phủ khi tham gia các chương trình đối thoại kinh tế quốc tế đa phương. Đặc biệt, VN đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xây dựng báo cáo kinh tế quốc gia rất đầy đủ, chi tiết.

Năm 2023 có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng, điển hình là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, 50 năm quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Úc, Bỉ… Dự kiến VN và các nước sẽ tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm, diễn đàn song phương cùng các hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm thúc đẩy hiểu biết chung và nâng tầm quan hệ.

Về an ninh, ngành ngoại giao tích cực triển khai các cơ chế trao đổi và hợp tác với các bên liên quan đến an ninh VN, như các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có tranh chấp trên biển với VN. Bộ Ngoại giao VN tích cực thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành khác duy trì tốt hợp tác quản lý biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với Indonesia. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng chủ động tham gia và hỗ trợ tốt cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… tiến hành hiệu quả các cuộc đối thoại an ninh - chính trị với các nước đối tác.

Về du lịch, các đại sứ quán, tổng lãnh sự và lãnh sự quán đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm mới hình ảnh VN đang phục hồi tốt sau đại dịch. Những cơ quan này cũng tổ chức và tham gia các sự kiện giao lưu văn hóa - xúc tiến du lịch tại nhiều quốc gia. Điển hình, Bộ Ngoại giao đã góp phần cùng Bộ VH-TT&DL, cũng như các bộ, ngành liên quan thông qua kế hoạch hành động VN - Nhật Bản về hợp tác du lịch giai đoạn 2022-2024.

Về y tế và sức khỏe cộng đồng, công tác ngoại giao y tế được chú trọng thông qua việc tìm kiếm nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công nghệ, trao đổi vaccine, dược phẩm Đông - Tây y kết hợp, phác đồ trị liệu… với các quốc gia khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Hà Nội hồi tháng 10-2022. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Hà Nội hồi tháng 10-2022. Ảnh: VGP

TRỌNG TÂM VÀ NGUYÊN TẮC NĂM 2023

. Năm 2023 được giới chuyên gia quốc tế dự báo vẫn là một năm đầy khó khăn về kinh tế - chính trị lẫn an ninh do “hậu COVID-19” vẫn còn âm ỉ, “vòng xoáy” nước lớn vẫn leo thang tại nhiều nơi; “chủ nghĩa xét lại” đối với toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh ấy, nguyên tắc ngoại giao của VN là gì để thích nghi và phát triển bền vững?

+ Điều tôi lo ngại nhất có lẽ là tình trạng cạnh tranh nước lớn chắc chắn sẽ gay gắt hơn và mở rộng thêm lĩnh vực khiến các “điểm nóng” càng “nóng hơn” và khó tìm được giải pháp tức thì. An ninh phi truyền thống, nhất là an ninh năng lượng, môi trường, lương thực, nguồn nước… đều phức tạp hơn do xung đột lợi ích và do các vấn đề này đang liên quan đến chủ quyền và sức mạnh của các quốc gia trong trật tự “thế giới mới”.

Để thích nghi “thế giới mới” như thế, ngoại giao VN phải tiếp tục tập trung vào bốn ưu tiên: (i) Nâng cao vai trò của VN tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và khu vực; (ii) tích cực đóng góp vào việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; (iii) góp phần xây dựng các chiến lược hợp tác tiểu vùng như Mekong - Lan Thương và (iv) định hướng sự tham gia của VN trong các xu hướng hợp tác quốc tế mới, liên kết khu vực mới.

Nguyên tắc mà ngoại giao VN cần tiếp tục quyết tâm theo đuổi là: Đường lối độc lập, cân bằng quan hệ, kiên định mục tiêu, giữ vững bản sắc, đảm bảo lợi ích, chủ động hành động và linh hoạt ứng xử. Thông qua đó, VN muốn gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp: VN là quốc gia ngày càng phát triển, đáng tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và ngoại giao VN là một nền ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả và có nhiều sáng tạo.

. Xin cám ơn đại sứ.

Đồng bộ và phối hợp nhuần nhuyễn

Về phương thức, ngoại giao VN trong năm 2023 sẽ tiếp tục chú trọng quan hệ với các nước láng giềng; đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược đi vào chiều sâu; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền thống; và gia tăng sự tin cậy với các đối tác khác. Các sự kiện kỷ niệm năm chẵn trong các quan hệ song phương cũng như sự tham gia của VN tại các diễn đàn đa phương sẽ thể hiện rõ phương thức ngoại giao này.

Đường lối đối ngoại toàn diện với sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân với ngoại giao nhân dân tiếp tục là kim chỉ nam. Riêng ngành ngoại giao, chắc chắn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người VN ở nước ngoài và công tác ngoại vụ địa phương sẽ cùng được chú trọng, đồng thời phối hợp ngày càng nhuần nhuyễn.

Đọc thêm