Loạt bài: Khơi thông các tuyến đường thủy huyết mạch phía Nam - bài 3:

5 giải pháp phát triển giao thông thủy phía Nam

Vận tải đường thủy nội địa hiện nay và trong tương lai có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tại phía Nam, Bộ GTVT đã có phương án và kế hoạch phát triển lĩnh vực giao thông thủy trong thời gian tới. Pháp Luật TP.HCMđã có buổi phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang về vấn đề này.

Hoàn thiện cơ chế khuyến khích đầu tư

. Phóng viên: Bộ GTVT đã có kế hoạch phát triển giao thông thủy phía Nam và đã có các giải pháp nhằm triển khai thực hiện được thuận lợi. Xin ông cho biết các giải pháp ưu tiên của Bộ GTVT?

+ Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang:

Đầu tiên, giải pháp về thể chế: Ngành giao thông sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thủy nội địa. Giải pháp này sẽ thực hiện theo hướng áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư; ưu đãi về thuế, phí…

Hiện nay, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Tiếp theo là giải pháp quy hoạch: Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để triển khai thực hiện.

. Một số ý kiến cho rằng đầu tư cho giao thông thủy cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường? Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

+ Vấn đề môi trường là giải pháp thứ ba mà Bộ GTVT nghiên cứu để hoàn thiện. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng sẽ khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Ngành giao thông cũng sẽ ứng dụng công nghệ mới trong đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng.

. Giải pháp thứ tư là gì, thưa ông?

+ Đó là vấn đề hợp tác quốc tế. Giải pháp này cần được triển khai để nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa qua biên giới. Từ đó tạo thuận lợi tối đa, giảm thiểu thời gian làm thủ tục cấp phép, hải quan, biên phòng cửa khẩu trên các tuyến vận tải thủy qua biên giới.

Mạnh dạn thu hút đầu tư

. Vốn đầu tư là một bài toán cần tính khi triển khai các dự án, ngành giao thông có giải pháp huy động vốn đầu tư như thế nào?

+ Giải pháp về vốn đầu tư là giải pháp thứ năm mà ngành giao thông xây dựng. Theo đó, ngành giao thông sẽ cân đối ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc các tuyến vận tải trọng điểm. Hiện nay, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Trong giai đoạn 2021-2025, để tạo ra đột phá thực sự trong phát triển giao thông thủy, Bộ GTVT đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai, trong đó chú trọng các giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư.

Cụ thể, ngành giao thông sẽ tập trung xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đồng bộ. Các cơ chế này dựa trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm.

Trên cơ sở các cơ chế nói trên sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Bộ GTVT cũng nghiên cứu hành lang pháp lý đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, còn bộ sẽ tập trung thực hiện các chức năng quản lý nhà nước như xây dựng thể chế, quy hoạch và tăng cường giám sát, kiểm tra.

Ngành chức năng sẽ linh hoạt lựa chọn, áp dụng một số mô hình huy động vốn đã thành công; sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước trong từng lĩnh vực.

. Theo ông, việc phân cấp cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác hạ tầng giao thông sẽ có lợi ích như thế nào?

+ Việc này sẽ huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các địa phương cũng sẽ là cơ quan có thẩm quyền để tăng tính chủ động trong việc huy động nguồn lực.

Một yếu tố rất quan trọng, khi đó các tỉnh, TP có dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sẽ chủ động xây dựng, điều chỉnh một cách đồng bộ các quy hoạch khác của địa phương. Họ sẽ chú ý quy hoạch phát triển quỹ đất, tạo không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị…

Việc huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương sẽ đảm bảo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc lâu nay liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng… Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành trung ương trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng.

Để tạo hành lang pháp lý thực hiện năm giải pháp như tôi đã trao đổi, hiện nay Bộ GTVT đang rà soát toàn bộ quy định pháp luật để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Từ nay đến 2030, cần hơn 157.000 tỉ đầu tư giao thông thủy

Hồi tháng 11, Bộ GTVT đã công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2030, ngành giao thông tập trung nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy nội địa chính trên toàn quốc và cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng chiều cao của các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 cho các dự án trên dự kiến khoảng 157.533 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỉ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 128.614 tỉ đồng.

Theo bộ trưởng Bộ GTVT, hiện khu vực phía Nam đang khai thác tốt vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên, các tuyến này vẫn còn rất nhiều tiềm năng nên thời gian tới cần tiếp tục đầu tư để khai thác hiệu quả hơn. Bộ GTVT sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển theo quy hoạch, với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư. Công trình bến cảng sẽ kêu gọi tư nhân đầu tư, bằng cách Nhà nước tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp vay vốn mua sắm các thiết bị hiện đại, đầu tư các cần cẩu lớn vận chuyển hàng container từ bến lên thuyền…

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm