Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương diễn ra hôm nay (30-12), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu năm kiến nghị với Chính phủ.
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay ngay từ đầu năm 2019, TP.HCM đã tập trung quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết của trung ương, Thành ủy và HĐND TP trên tất cả lĩnh vực, với quyết tâm và những nỗ lực mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương. Ảnh: VGP
“Tình hình kinh tế-xã hội của TP tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt được những kết quả mang tính toàn diện, rất đáng ghi nhận” - ông nói.
Theo ông, TP.HCM thực hiện chủ đề năm 2019 là năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự hài lòng của người dân được nâng cao, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách được thực thi tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội của TP phát triển.
Chất lượng đời sống của người dân không ngừng được nâng lên; diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, các trung tâm thuộc đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh hoàn thành giai đoạn 1, đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2; hệ thống y tế TP được hiện đại hóa theo hướng y tế thông minh. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đặc biệt quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp…
Xác định chủ đề năm 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, TP quyết tâm triển khai các nhiệm vụ để thực hiện cho được mục tiêu là nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Điều này giúp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp.
Đồng thời, TP tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…
TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành các đề án lớn. Các đề án bao gồm: Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM; đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh…
“TP sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. TP chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và đồng thuận, chung sức, chung lòng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đề ra” - ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch TP.HCM sau đó cũng đề xuất, kiến nghị năm nội dung.
Cụ thể, ông kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM. Việc này trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã có quy định.
“Nhằm bảo đảm cho TP cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, TP chủ động đề xuất thực hiện Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP cùng các địa phương giai đoạn 2021-2025. Kiến nghị Chính phủ quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để góp phần tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP cũng như các địa phương trong cả nước” - ông Phong nói.
Một kiến nghị quan trọng khác, theo Chủ tịch TP.HCM, trong định hướng phát triển kinh tế quốc gia, việc xây dựng trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế là vô cùng cần thiết và là xu thế phát triển tất yếu. Trong điều kiện thực tế, TP.HCM là trung tâm tài chính lớn nhất của cả nước. “Đầu tàu” kinh tế của cả nước sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước.
Do đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP.HCM vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của quốc gia.
Cũng theo ông Phong, ngày 18-10-2019, Thường trực Chính phủ đã họp và thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án khó thu hồi đất trên địa bàn TP. Tuy nhiên đến nay nghị quyết này chưa được ban hành.
“Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết để TP sớm triển khai có hiệu quả công tác trên” - ông Phong nói.
Cuối cùng, ông Phong kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN để các địa phương thuận lợi khi triển khai thực hiện.