Sáng 30-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương và có bài phát biểu quan trọng.
“Hôm nay tôi rất vui mừng lại được cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các cơ quan trung ương tham dự Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019 và bàn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020. Đây là hội nghị hết sức quan trọng” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: QH
“Nhìn lại năm 2019, tôi nhớ tại hội nghị tổng kết năm 2018, cũng tại hội trường này, tôi có bày tỏ mong muốn và chúc năm 2019 đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2018. Lúc bấy giờ tôi cảm nhận không khí hội nghị rất hồ hởi, phấn khởi, hình như vỗ tay tới hai lần, bày tỏ quyết tâm rất cao” - ông nói tiếp.
“Nhìn lại năm 2019, tôi có cảm nhận chúng ta đã đạt được điều chúng ta cam kết năm ngoái” - nghe Tổng bí thư nói vậy cả hội nghị vỗ tay.
“Cám ơn các đồng chí, như vậy tôi có cảm nhận và đã được các đồng chí đồng ý là chúng ta đã được điều chúng ta mong muốn năm ngoái” - ông nói và cho rằng năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.
“Tới đây còn tiếp tục xử lý, các đồng chí chờ xem”
Tổng bí thư, Chủ tịch nước sau đó nêu bốn “chứng cứ” lớn.
Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn kế hoạch đề ra là 6,6%-6,8%. “Lúc tôi nói chúc tốt hơn năm 2018, đồng chí Thủ tướng nói "không biết có đạt được không" nhưng đến bây giờ chúng ta đạt tăng trưởng hơn 7% rồi” - ông nói.
Tổng bí thư dẫn chứng: Chúng ta đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, nâng quy mô GDP lên 266 tỉ USD, bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD/đầu người.
“Tôi nhớ những năm 90, 95-96 của thế kỷ trước, ta chỉ đạt 300 USD/đầu người. Mà dân số nước ta gần 100 triệu người rồi. Con số này rất có ý nghĩa, đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta” - ông nói.
Cạnh đó, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trước đây lạm phát tới mười mấy, hai mấy %...
Kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách được tăng cường, bội chi ngân sách thấp chỉ ở mức 3,4%, trước đây có lúc 17%-18%; tỉ lệ nợ công trên GDP giảm mạnh (xuống mức 55%) và ngày càng thấp so với mức trần do Quốc hội quy định là 65%...
Ông dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB): “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
“Chứng cứ” thứ hai, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tập trung thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an ninh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn khoảng 4%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 54%. “Bây giờ về các nơi hiếm có nơi nào còn hình ảnh nông thôn ngày xưa. Cũng nhà cao tầng, nhà văn hóa, đường sá giao thông phát triển ghê gớm lắm”…
“Như vậy là "về đích" sớm hơn kế hoạch gần hai năm” - ông đánh giá đồng thời cho rằng kết quả của đoàn thể thao Việt Nam tại Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là việc đoạt được 228 huy chương, trong đó có 98 huy chương vàng, hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đều đoạt huy chương vàng.
“Điều đó thể hiện ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên, tinh thần hết mình và có người nói cũng là biểu hiện của "vận nước đang lên"” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ 3, theo ông, tiềm lực quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu…
Thứ tư, “công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, hay có người lo là sụt đi, cũng rơi vào im lặng, hay cũng chỉ nửa chừng vậy thôi?” - ông đặt vấn đề.
“Vừa mới gần đây thôi, tết đến nơi rồi xử mấy vụ, bổ sung thêm mấy vụ vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. Tới đây còn tiếp tục xử lý. Sắp tới các đồng chí chờ xem” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và dẫn lại phiên tòa vừa xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
“Đây là một điển hình nói lên rất nhiều điều” - ông đánh giá. Điều này thể hiện ở việc xử lý nhiều cán bộ, trong đó có hai cán bộ cao cấp nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hai cựu bộ trưởng…
“Ra trước tòa, lúc đầu thế nào về sau thế nào các đồng chí biết cả rồi đấy, ăn năn hối lỗi, xin lỗi và thái độ rất thành khẩn” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng chưa bao giờ chúng ta xử lý được tội đưa/nhận hối lộ với số tiền lớn như vậy. Trước đây toàn thiếu trách nhiệm, rồi vi phạm này, vi phạm kia gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng chưa khi nào thu được số tài sản lớn như vậy.
“Một người nhận đến 3 triệu USD. Vì sao VKS phải đề nghị tử hình? Nhưng ra tòa xin nhận và đền bù, nộp lại tiền, tòa cho xuống chung thân. Điều này thể hiện tính nhân văn và còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo” - ông nói, đồng thời tiếp tục khẳng định “nhiều vụ còn đang làm tiếp”.
“Tất cả bị cáo, kể cả trong các vụ án khác, lúc đầu cũng cãi, rồi cho thế này, thế kia, cho rằng xuyên tạc, đấu đá, đánh đấm nội bộ nhưng sau đó đều tâm phục, khẩu phục, thậm chí cám ơn. Cho đi tù rồi còn cám ơn. Chúng ta làm cũng rất nhân văn, đúng theo tinh thần của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của Trung ương và Bộ Chính trị” - ông nói.
“Như vậy, nhận xét khái quát về năm 2019, tôi mạnh dạn nói chúng ta đạt được những gì đề ra năm ngoái. Đây không phải là “thành tích chủ nghĩa” mà nói có sách, mách có chứng” - vẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
“Tôi nghĩ sự đồng thuận này không phải chúng ta tự khen nhau, tự động viên nhau mà là sự thật, đúng với thực tế diễn ra và phù hợp với sự đánh giá của bàn bè quốc tế, không khí phấn khởi trong nhân dân mà tôi quan sát nhất là qua tiếp xúc cử tri, qua họp Quốc hội, các kênh thông tin báo chí đánh giá, mặc dù với tất cả tinh thần khiêm tốn không được chủ quan” - ông nói đồng thời hoan nghênh, biểu dương và chân thành cám ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích, nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn trong năm 2019.
Bốn bài học lớn
“Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được” - ông nói và điểm lại hàng loạt thách thức, khó khăn. Cụ thể, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, sức ép lạm phát còn lớn, tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, thoái vốn, cổ phần hóa, việc xử lý các dự án yếu kém thua lỗ còn chậm tiến độ.
Các ngân hàng thương mại yếu kém còn nhiều; kinh tế tư nhân, FDI có phát triển nhanh nhưng chưa thực sự lành mạnh và bền vững; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức; chất lượng văn bản còn thấp.
“Việc thực thi công vụ còn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, thậm chí còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị mình, cái gì khó khăn, phức tạp thì tìm cách đùn đẩy, né tránh cho người khác” - ông nhấn mạnh.
Để phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, cần tập trung phân tích và thống nhất cao về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Ông nhắc lại ba bài học kinh nghiệm mà hội nghị trước đã đề cập.
Đó là kế thừa phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới và những kết quả, thành tựu từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đây là sự phát triển liên tục kế thừa, phát triển liên tục, luôn luôn khiêm tốn học bài học đó.
Thứ 2 là bài học tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chung sức, đồng lòng, sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị giữa trung ương và địa phương.
“Cái này rất quan trọng. Hằng tháng, các lãnh đạo chủ chốt ngồi họp để xem tháng trước làm rồi. Và cũng chưa bao giờ Tổng bí thư đến họp Chính phủ. Năm kia tôi nói từ thuở bé đến giờ tôi mới được họp Chính phủ” - ông nói và nhắc cần duy trì bài học “đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công”. Tuy nhiên, phải tránh hình thức, làm thực chất, phối hợp với nhau, phải “đúng vai” và “thuộc bài”, tránh làm nhiệm vụ của người khác rồi đổ lỗi cho nhau, thành tích thì nhận của mình.
Thứ ba, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ góp ý của vị lão thành, các đồng chí nghỉ hưu, các chuyên gia có kinh nghiệm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân nếu ý kiến chính đáng, phản bác những quan điểm sai trái…
“Lần này tôi bổ sung thêm bài học, nên chăng là sắp tới chúng ta đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, không nặng, không nhẹ bên nào. Nhấn kinh tế tư nhân không có nghĩa là buông bỏ kinh tế nhà nước” - ông nói và cho rằng kinh tế tư nhân có ưu việt của kinh tế tư nhân; kinh tế nhà nước có thế mạnh của kinh tế nhà nước, chỉ phê phán kinh tế nhà nước làm ăn không hiệu quả là không đúng…
Ai có tư tưởng bàn lùi thì đứng sang bên cho người khác làm
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với nhiều ngày kỷ niệm năm chẵn rất quan trọng, đồng thời kết thúc nhiệm kỳ khóa 12, chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng khóa 13…
Với tinh thần đó, ông đề nghị tập trung ưu tiên thực hiện năm nhiệm vụ.
Một là về kinh tế, tiếp tục củng cố tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế…
Hai là quan tâm thiết thực hơn nữa tới văn hóa - xã hội, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên chính sách đồng bào dân tộc thiểu số…
Ba là tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đồng thời chủ động phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
“Vừa rồi, báo chí và các cơ quan chức năng cũng đã quan tâm đến vấn đề này, có những chuyển biến nhưng chưa mạnh lắm, phải làm mạnh hơn nữa. Những luồng tư tưởng xấu, sự xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ, nói ngược Đảng… thì chúng ta phải hết sức chú ý” - ông nhấn mạnh
Cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, theo đúng yêu cầu là “đúng vai” và “thuộc bài”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, thật sự vì nước vì dân. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái, tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương tinh thần phục vụ công dân của cán bộ, công chức, viên chức. “Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời siết chặt kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ…” - ông nói.
Đáng chú ý, cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn trong một bộ phận công chức nào đó, nhất là trong cán bộ quản lý các cấp.
“Nhiều người vin vào đây, làm chùn bước, không đấu tranh chống tiêu cực là sai. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng đấy thì đứng sang một bên cho người khác làm. Rõ ràng vừa qua làm, kinh tế phát triển đi lên chứ có tụt xuống đâu, nhụt ý chí gì đâu. Ai nhụt ý chí chẳng qua là viện cớ thôi hoặc là để làm giảm nhẹ mức chúng ta đấu tranh chống tiêu cực” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói tiếp.
Tuy nhiên, theo ông, đấu tranh tiêu cực một cách cực đoan, không tính đến nhân tình thế thái, không mở đường cho người ta tiến, không tạo động lực phát triển thì cũng là sai. “Đây là bài toán biện chứng, các đồng chí lưu tâm cho” - ông lưu ý.
Không để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn Liên quan đến việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương nghiêm túc quán triệt nghị quyết trung ương và chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu sau: Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, coi trọng chất lượng hiệu quả, đề cao trách nhiệm các cấp ủy tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu, bảo đảm an toàn thiết thực, không phô trương hình thức. “Kiên quyết chống lãng phí tiêu cực, tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội như "hoàng hôn nhiệm kỳ", sắp hết nhiệm kỳ rồi làm thế thôi, giữ mình cho trọn vẹn; nể nang, thỏa hiệp, né tránh, va chạm, vận động tranh thủ phiếu bầu, kích động chia rẽ nội bộ…” - ông nói. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý không được vin vào việc tập trung đại hội mà lơi là các nhiệm vụ khác. Cạnh đó, công tác nhân sự phải đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch, có đức có tài, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. “Không để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng, lãng phí, cục bộ, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu” - vẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước. |