Theo ông Cường, mục tiêu của đề án nhằm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đó là đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Sau bốn năm triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây" - ông Cường nhấn mạnh.
Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9%, nay tăng lên 35,4%; tỉ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%. Có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.
Cũng theo ông Cường, ngành dược đã có những bước phát triển đáng kể, hiện đã cung cấp 10/12 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của thuốc nội theo ông Cường chính là quyết định kê đơn của bác sĩ cũng như ý thức "sính thuốc ngoại" của người bệnh. Vì thế, bước sang giai đoạn 2, ông Cường khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đến bác sĩ để giúp tăng cường kê đơn thuốc nội. Các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường sự đầu tư cho mẫu mã và cải tiến chất lượng. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc để xử lý nghiêm những sai phạm trong sản xuất và cung ứng thuốc không bảo đảm chất lượng.
Mục tiêu giai đoạn 2 của đề án đặt ra đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.