Ngày 7-7-2017 là một ngày lịch sử đối với nhân loại. Sau ba tuần đàm phán tại New York, hội nghị đàm phán của LHQ về cấm vũ khí hạt nhân đã thông qua dự thảo Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (gọi tắt là hiệp ước) với 122 phiếu thuận, một phiếu chống (Hà Lan) và một phiếu trắng (Singapore). Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ do Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, làm trưởng đoàn.
Chín quốc gia không đàm phán
Chủ tọa hội nghị Elayne Whyte Gomez, Đại sứ Costa Rica, phấn khởi tuyên bố: “Chúng ta sắp sửa nói với các “hibakusha” (những người sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật) rằng sau bao thập niên, cuối cùng chúng ta đã xây dựng nền tảng cho một thế giới không vũ khí hạt nhân… Chúng ta sắp sửa nói với con cái chúng ta rằng chúng có thể kế thừa một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Tham dự buổi bỏ phiếu có hai “hibakusha”: Bà Setsuko Thurlow, đại sứ hòa bình của TP Hiroshima và ông Toshiki Fujimori, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Các tổ chức nạn nhân bom A và bom H của Nhật (Hidankyo).
Hiệp ước gồm lời nói đầu 24 đoạn và 20 điều bao trùm mọi hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân gồm phát triển, thử nghiệm, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng. Các nước tham gia hiệp ước phải cam kết không cho các nước khác đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước quy trách nhiệm của các nước thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sau này tham gia hiệp ước.
Hà Lan là nước duy nhất trong 29 nước NATO tham gia đàm phán nhưng cuối cùng bỏ phiếu chống. Nhật là nước duy nhất gánh chịu bom nguyên tử nhưng không tham gia đàm phán. Đặc biệt, chín nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên) đã tẩy chay quá trình đàm phán.
Từ ngày 20-9-2017, các nước thành viên LHQ sẽ bắt đầu ký kết hiệp ước. Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi quốc gia thứ 50 phê chuẩn.
Bà Elayne Whyte Gomez (người chắp tay) đứng bật dậy sau khi kết quả bỏ phiếu hiệp ước được công bố hôm 7-7. Ảnh: AP
Khoảng trống pháp lý của hiệp ước NPT
về luật pháp quốc tế, đến nay đã có ba điều ước quốc tế cấm toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt (vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học). LHQ đánh giá hiệp ước là sự kiện lịch sử quan trọng chẳng khác thời điểm bức tường Berlin sụp đổ. Hiệp ước là công cụ đa phương đầu tiên về cấm vũ khí hạt nhân mang tính chất ràng buộc pháp lý trong hơn 20 năm nay.
Không ai tin một hiệp ước quan trọng như thế lại chỉ mất bảy năm (2010-2017) để nên vóc nên hình. Nguyên nhân thành công xuất phát từ quyết tâm của năm nước dẫn đầu (Áo, Mexico, Costa Rica, Nam Phi và Ireland) và khả năng thuyết phục của vị chủ tọa Elayne Whyte Gomez.
Hiệp ước ra đời trong bối cảnh Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996 (CTBT) chưa có hiệu lực do chưa đủ số nước bắt buộc phê chuẩn. Hiệp ước cũng lấp đầy khoảng trống pháp lý của Hiệp ước NPT năm 1968.
Điều 6 NPT quy định các nước tham gia NPT cam kết đàm phán về một hiệp ước giải trừ chung và toàn diện nhưng đến nay không có động thái nào về đàm phán như Điều 6 quy định.
NPT gồm ba trụ cột: Không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân. Như vậy NPT không đặt ra vấn đề cấm phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như không quy định lộ trình và nghĩa vụ về giải trừ vũ khí hạt nhân. Điều 1 và Điều 2 cấm các quốc gia phi hạt nhân sản xuất và có vũ khí hạt nhân nhưng lại cho phép các nước sở hữu hạt nhân chuyển giao công nghệ.
Vì vậy từ năm 2010, năm nước dẫn đầu gồm Áo, Mexico, Costa Rica, Nam Phi và Ireland đã đệ trình nhiều nghị quyết kêu gọi phải đàm phán một công cụ ràng buộc về pháp lý để cấm vũ khí hạt nhân. Cũng trong năm 2010, phong trào “Sáng kiến nhân đạo” ra đời nhấn mạnh đến việc nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, hậu quả nhân đạo cực kỳ to lớn sẽ xảy ra trên toàn thế giới.
Nghị quyết L.41 tạo bước ngoặt lịch sử
Phong trào “Sáng kiến nhân đạo” đã mở chiến dịch tuyên truyền về hậu quả nhân đạo. Các hội nghị liên chính phủ được tổ chức ở Oslo (Na Uy) năm 2013, Nayarit (Mexico) và Vienna năm 2014 để đánh động giới ngoại giao. Hội nghị Vienna ngày 9-12-2014 đã công bố văn bản “Cam kết của Áo” (sau đổi tên thành “Cam kết nhân đạo”) kêu gọi các nước tham gia NPT tìm một công cụ pháp lý cấm hẳn vũ khí hạt nhân. 127 nước đã ký tên ủng hộ.
Chiến dịch gặt hái thành công. Tháng 12-2015, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 70/33 với tiêu đề “Xúc tiến đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân” với 135 phiếu ủng hộ. Căn cứ nghị quyết, năm 2016 LHQ thành lập “tổ công tác với thành phần không hạn chế” (các nước và tổ chức dân sự đều có thể dự họp) nhằm tìm giải pháp pháp lý cấm vũ khí hạt nhân.
Tổ công tác đã ban hành khuyến cáo số 67 đề nghị trong năm 2017 LHQ cần triệu tập một hội nghị để đàm phán về một công cụ pháp lý cấm vũ khí hạt nhân với sự có mặt của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng các tổ chức xã hội dân sự.
Ngày 28-9-2016, Áo, Mexico, Nam Phi, Ireland, Brazil và Nigeria đệ trình Ủy ban 1 của Đại hội đồng LHQ (Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế) dự thảo Nghị quyết L.41 với tiêu đề “Thúc đẩy đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Dự thảo đề nghị trong năm 2017 phải triệu tập một hội nghị LHQ nhằm đàm phán một công cụ ràng buộc về pháp lý để cấm vũ khí hạt nhân. Ngày 27-10-2016, dự thảo được Ủy ban 1 thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Bất chấp Mỹ và Pháp gây sức ép, hai ngày trước lễ Giáng sinh năm 2016, tối 23-12, dự thảo Nghị quyết L.41 đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 113 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 13 phiếu trắng.
Nghị quyết quy định tổ chức hai vòng đàm phán. Sau vòng đàm phán thứ nhất từ ngày 27 đến 31-3, ngày 15-5 chủ tọa hội nghị Elayne Whyte Gomez đã công bố dự thảo Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Vòng đàm phán thứ hai từ ngày 15-6 đến 7-7 tập trung thảo luận về dự thảo này. Đến ngày 7-7, dự thảo sửa đổi được đưa ra biểu quyết và đã được thông qua. Tên gọi ban đầu là Công ước Cấm vũ khí hạt nhân đã được sửa đổi thành Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
Các nước sở hữu hạt nhân tẩy chay đàm phán một hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân với lý do: Chỉ có vũ khí hạt nhân mới đủ khả năng bảo đảm an ninh quốc gia, vũ khí hạt nhân sẽ bảo đảm độc lập về chính trị, cần có vũ khí hạt nhân do ảnh hưởng khu vực (ví dụ sau khi Trung Quốc thử hạt nhân năm 1964, 10 năm sau Ấn Độ đã thử hạt nhân).
Các nước phản đối vũ khí hạt nhân đưa ra các lập luận như sau: Về nhân đạo, vũ khí hạt nhân sẽ gây hậu quả thảm khốc đến nhiều nước; về an ninh, vũ khí hạt nhân tạo nỗi sợ hãi và ngờ vực giữa các nước; về môi trường và kinh tế, vũ khí hạt nhân hủy diệt toàn bộ sự sống với hậu quả tác động đến khí hậu, sản xuất lương thực, y tế… Ngoài ra, cần thiết lập quy chuẩn về cấm vũ khí hạt nhân như đã cấm vũ khí hóa học và sinh học, mìn sát thương cá nhân, bom bi. |