Trước thềm tuyển sinh năm 2017, nhiều trường đại học (ĐH) phía Nam đã ngồi lại với nhau để bàn một phương án xét tuyển chung. Tính đến ngày 9-5, có 72 trường ĐH từ Quảng Bình trở vào tham gia nhóm này. Nhóm thứ hai gồm các trường từ Hà Tĩnh trở ra.
Hạn chế ảo
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết các trường tham gia nhóm đã bàn thảo các phương án xét tuyển nhằm hạn chế tình trạng ảo như hai năm 2015-2016. Cụ thể, thông qua cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, khi một thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng vào một trường nào đó, phần mềm dữ liệu chung của nhóm chạy thì tên thí sinh này bị đóng lại để tránh tình trạng các trường khác không biết và vẫn tiếp tục gọi. Ngược lại, những thí sinh chưa trúng tuyển cũng được thông báo cho các trường trong nhóm biết để các trường còn thiếu chỉ tiêu gọi tuyển.
Theo ông Lý, phương án này sẽ không bao trùm hết số thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển. Sẽ có khoảng 10% thí sinh ở miền Nam đăng ký xét tuyển các trường phía Bắc và ngược lại.
TS Lý cho rằng để tham gia nhóm xét tuyển chung, các trường tốp có đông thí sinh đăng ký xét tuyển trên cần định liệu khi đưa ra điểm chuẩn. Nếu điểm chuẩn bị nâng lên hoặc hạ xuống sẽ gây rối loạn toàn bộ hệ thống xét tuyển các trường còn lại.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: HTD
Thí sinh không bị rớt oan
Còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng các năm trước diễn ra tình trạng mạnh ai nấy làm khiến việc chia sẻ thông tin, dữ liệu xét tuyển hạn chế, tình trạng ảo rất cao, gây khó khăn cho các trường và thí sinh rớt oan uổng. Theo đó, năm nay trường cùng ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất thành lập nhóm trường xét tuyển để các trường thuận lợi và thí sinh có nhiều cơ hội hơn.
Ông Dũng ví von tổng chỉ tiêu tuyển sinh như một bồn chứa, mỗi trường là một van xả, tùy vào chỉ tiêu và uy tín của mình mà các trường sẽ tính toán điểm chuẩn sát với năng lực. Nếu tính toán không khớp sẽ bị thiếu chỉ tiêu, còn thí sinh mất cơ hội vào ngành, trường mình thích.
Ông Dũng phân tích các trường tốp trên có nhiều hồ sơ xét tuyển thường đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu tiên. Vì vậy khi tham gia vào nhóm, các trường này cần tính toán điểm chuẩn kỹ để các trường còn lại không bị hụt. Chẳng hạn, nếu điểm chuẩn thấp chất lượng đầu vào không đảm bảo, các trường khác thì khó xét tuyển.
“Với phương án này, thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nếu như các năm trước, do thiếu thông tin nên khi nguồn tuyển cạn các trường vẫn đưa điểm chuẩn cao hơn, số thí sinh còn lại có điểm mấp mé điểm chuẩn bị rớt rất nhiều. Việc xét tuyển chung sẽ khắc phục được tình trạng này vì các trường sẽ công khai rõ ràng thông tin để thí sinh liệu sức đăng ký xét tuyển vào các trường.
Kỹ thuật lọc ảo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ việc xây dựng nhóm có chức năng hỗ trợ các trường lọc ảo là chủ yếu vì đây là vấn đề kỹ thuật hoàn toàn, còn việc xét tuyển là do các trường tự quyết. Tuy nhiên, quan trọng là các trường tuân thủ luật chơi. Theo TS Nghĩa, có hai yếu tố cần thiết khi tham gia nhóm. Thứ nhất, các trường gần nhau về địa lý. Thứ hai, sự tham gia của các trường tốp trên có quy mô thí sinh đăng ký xét tuyển lớn. Vì các trường này có ảnh hưởng trong xét tuyển đối với các trường có số thí sinh đăng ký ít hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Y Dược TP.HCM vẫn chưa xác nhận tham gia nhóm. Một số trường khác cũng chưa tham gia. “Ngoài ra, vai trò chủ xị sắp tới phải do trường có thí sinh đăng ký nhiều nhất mới đủ năng lực chạy phần mềm lọc ảo cho cả nhóm” - ông Nghĩa lưu ý. Ngày 15-5 sẽ gút lại danh sách các trường tham gia nhóm. Sau đó sẽ thảo luận xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi dữ liệu và xem xét trường nào có thực lực đứng ra làm chủ xị chạy phần mềm dữ liệu chung. Các trường tham gia với tinh thần tự nguyện nhưng phải ký vào cam kết tham gia luật chơi để đảm bảo không rời nhóm vào giờ chót, gây xáo trộn trong hệ thống, rối loạn xét tuyển. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM |