Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng, dao động từ 8,3% - 13,5%.
Theo đó, 7/8 ngân hàng nhận hạn mức thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, giảm so với 15% của năm 2022; ACB được cấp room tín dụng là 9,8%, so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5%, so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn so với năm 2022 là 11,5%; VPBank và MB cùng ở tỷ lệ là 9% so với năm trước là 15%.
Thấp nhất là BIDV với mức 8,3%, giảm so với 10% của năm 2022. Riêng MSB là 13,5% cao hơn so với năm trước là 9,5%.
Ngân hàng | 2022 | 2023 |
HDBank | 15% | 11% |
MB Bank | 15% | 9% |
ACB | 10% | 9.8% |
VIB | 10% | 9.5% |
TP Bank | 11.5% | 9.1% |
VP Bank | 15% | 9% |
BIDV | 10% | 8.3% |
MSB | 9.5% | 13.5% |
Trao đổi với báo chí, đại diện NHNN cho biết, các con số trên cơ bản là đúng, một vài số liệu được làm tròn. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo “thông tin nội bộ”.
Thông thường, NHNN dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, với mục tiêu trong năm nay tín dụng tăng khoảng 14 - 15%.
Các chuyên gia nhận định, việc được cấp room tín dụng sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh vốn ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đang "đói" vốn. Tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh ngày 28-2, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Tuy nhiên, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng nhận định tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm thường chậm hơn. Nguyên nhân không phải do ngân hàng chưa được cấp room tín dụng mà nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Theo báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia ước tính, trong 2 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ước tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 02/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, con số tín dụng tháng 1 và tháng 2/2023 sẽ không nói lên được nhiều điều. Thứ nhất, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, thời gian làm việc ngắn, nên khách hàng không vay mượn nhiều. Thứ hai, câu chuyện liên quan đến tính chu kỳ. Cuối năm trước, khách hàng thường vay mượn nhiều, đầu năm mới sẽ tập trung trả nợ và tạm thời không vay nữa.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2022, bình quân từ đầu năm đến hết tháng 6, tín dụng tăng trung bình gần 1,6%/tháng. Đây là mức tăng trưởng khá cao và đột biến so với những năm trước. Song các chuyên gia cho rằng, cuối năm 2021 tín dụng tăng chậm lại nên bị dồn sang năm sau. Trong khi đó, cuối năm 2022, NHNN cung ứng đủ room tín dụng, nên không bị áp lực dồn sang đầu năm 2023. Thị trường đang vận hành bình thường, theo đúng nhu cầu.
Cũng theo giới phân tích, diễn biến lãi suất trên thị trường vừa qua gắn với nhu cầu tín dụng còn thấp. Việc thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng.
Từ sau Tết nguyên đán, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng với mức giảm từ 0,2-0,5 điểm %. Hiện tại, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn 12 tháng là 8-9,5%/năm.
Bên cạnh việc cấp room tín dụng đợt 1 cho các ngân hàng, được biết, NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động thêm 0,5%/năm để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bởi, giảm lãi suất cũng là một trong các tiêu chí để NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng vào những đợt tới.