Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là cách giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được pháp luật thừa nhận. Theo đó, các bên tranh chấp thỏa thuận đưa tranh chấp đến một trung tâm trọng tài để giải quyết theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và tuân thủ phán quyết của trọng tài viên hay của hội đồng trọng tài (HĐTT).
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho biết gần đây việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lựa chọn.
Nhanh, bảo mật
Ông Hậu cho biết có chín cái lợi khi DN lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.
Thứ nhất, phán quyết của trọng tài là chung thẩm nên có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp, không thể chống án hay kháng cáo. Việc giải quyết tại trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp, đó cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với việc xét xử tại tòa án (thông thường diễn ra ở hai cấp sơ, phúc thẩm). HĐTT sau khi ra phán quyết là đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chấm dứt sự tồn tại.
Thứ hai, HĐTT do các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc được chỉ định để giải quyết vụ kiện nên các trọng tài viên theo vụ kiện từ đầu đến cuối. Họ có điều kiện nắm bắt, tìm hiểu thấu đáo các tình tiết của vụ việc nên khi các bên muốn hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trọng tài có thể hỗ trợ các bên đạt tới thỏa thuận, điều ít khi xảy ra ở tòa án.
Thứ ba, nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Hầu hết quy định pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận nguyên tắc trọng tài xử kín nếu các bên không có thỏa thuận khác. Đây là một ưu điểm quan trọng bởi các DN không muốn các bí quyết, bí mật kinh doanh bị phơi bày công khai, điều mà các DN luôn coi là tối kỵ.
LS Nguyễn Văn Hậu (ôm hoa) và một số thành viên ban chấp hành nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Trọng tài thương mại TP.HCM. Ảnh: KP
Linh hoạt, mềm dẻo
Thứ tư, khi giải quyết tranh chấp, trọng tài cho phép các bên được sử dụng kinh nghiệm của chuyên gia và điều này được thể hiện ở quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên. Các bên có thể lựa chọn một HĐTT dựa trên trình độ, năng lực, sự hiểu biết của họ về pháp luật thương mại quốc tế, về các lĩnh vực chuyên biệt như xuất nhập khẩu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, chứng khoán… Điều này ở tòa án là không thể có.
Thứ năm, hoạt động giải quyết tranh chấp của trọng tài diễn ra liên tục nên tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền bạc cho DN. Trong khi đó, nếu giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường rất khó đạt được điều này bởi tòa thường quá tải nên tình trạng án tồn đọng là không thể tránh khỏi. Thực tiễn cho thấy giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường kéo dài tối đa là sáu tháng, trong khi đó giải quyết tranh chấp tại tòa có trường hợp kéo dài nhiều năm.
Thứ sáu, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thể hiện tính năng động, linh hoạt và mềm dẻo, do đó dễ thích ứng hơn so với giải quyết tranh chấp bằng tòa án.
Luật Trọng tài các nước quy định thủ tục tố tụng trọng tài rất đơn giản, chủ yếu dựa trên thỏa thuận của các bên. Các bên được tự do thỏa thuận về toàn bộ quá trình tố tụng và các HĐTT có nghĩa vụ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận đó. Ví dụ các bên có thể quyết định số lượng trọng tài viên của HĐTT, cách thức chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn trọng tài viên, thời gian giải quyết vụ tranh chấp, luật áp dụng, ngôn ngữ, địa điểm giải quyết vụ tranh chấp… Trong khi đó, tòa án khi xét xử phải tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm ngặt trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTDS và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Được sự công nhận quốc tế
Thứ bảy, việc xét xử tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tính bí mật cao, vì vậy sẽ tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, trong khi việc xét xử công khai tại tòa án thường dễ làm cho các bên rơi vào thế đối đầu nhau với kết cục là một bên được thừa nhận như một người chiến thắng, còn bên kia thấy mình là kẻ thua cuộc.
Việc xét xử tranh chấp bằng trọng tài trên thực tế đã làm giảm đáng kể mức độ xung đột, căng thẳng của những bất đồng bởi nó diễn ra trong một không gian kín, nhẹ nhàng, mang nặng tính trao đổi để tìm ra sự thật khách quan của vụ việc. Đây là yếu tố để các bên duy trì được quan hệ đối tác, thiện chí đối với nhau.
Thứ tám, được sự công nhận quốc tế. Đây là một ưu thế quan trọng đối với các quyết định trọng tài có yếu tố nước ngoài. Thông qua một loạt các công ước quốc tế và đặc biệt Công ước New York năm 1958 (về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài), các quyết định trọng tài được công nhận và thi hành tại 142 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.
Thứ chín, tính trung lập, vô tư, khách quan và tính chuyên nghiệp giải quyết nhanh chóng, kịp thời của trọng tài viên. Với đặc thù là cơ chế giải quyết tranh chấp tư, thẩm quyền được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của các bên, trọng tài luôn nhấn mạnh các tiêu chí vô tư, khách quan và trình độ của các trọng tài viên.
Tòa từ chối thụ lý nếu có thỏa thuận trọng tài Theo Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trọng tài có quyền giải quyết các tranh chấp sau: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, các tranh chấp trên chỉ được giải quyết bởi trọng tài nếu giữa các bên có thỏa thuận bằng văn bản dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc có thỏa thuận riêng hoặc dưới các hình thức khác như telegram, fax, telex, thư điện tử... Để đảm bảo cho việc giải quyết của trọng tài, pháp luật quy định tòa án từ chối thụ lý, giải quyết trong trường hợp các bên có thỏa thuận trọng tài (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được). |