Tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐ Malaysia (FAM) Peter De Roo đang khởi động đề án xây dựng “bộ gene di truyền” cho bóng đá Malaysia, còn chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, cựu HLV tuyển Malaysia ông Sathianathan thì lo ngại “đề án đầu voi đuôi chuột” chả đâu vào đâu.
Ông Sathianathan đánh giá đề án không sai nhưng thực thi là chuyện khác.
Hiểu nôm na xây dựng “bộ AND” cho bóng đá Malaysia cũng giống như bóng đá Nhật, Hàn Quốc tạo ra một lối chơi hiệu quả đặc trưng phù hợp với con người thể tạng, tính cách của một dân tộc. Vậy nhưng có nhiều vấn đề không phải dễ nắm bắt và thực hiện.
Ông Sathianathan nói rằng từ lý thuyết đến thực tế là cả một vấn đề đầy thách thức. Bây giờ phải thực hiện từ đâu và bằng cách nào, các HLV từ cấp phong trào, đỉnh cao, trẻ, phải làm gì?
Tạo "bộ gene" bắt đầu từ đâu?
Những lo lắng của vị chủ tịch Hội đồng HLV Malaysia là có cơ sở. Các nhà chiến lược của Malaysia đều cho rằng nó là đúng. Nhưng thực tế đòi hỏi phải có tính đồng bộ là cản trở lớn nhất của đề án cần sự dài hơi và kiên trì này của bóng đá Malaysia.
Ông Peter De Roo chỉ ra từ bóng đá phong trào, đến học đường, trẻ của các đội bóng nghiệp dư, chuyên nghiệp đều phải thực hiện rốt ráo và lâu dài.
Tuyển thủ nhập tịch Malaysia- Sumareh.
HLV Durakovic của CLB Perak cho rằng việc xây dựng một “bộ gene” cho bóng đá Malaysia là một câu chuyện dài, lắm thách thức và thậm chí nó sẽ phá sản nếu các đội bóng quá nặng thành tích trước mắt từ các đội tuyển quốc gia đến CLB…
Bóng đá Malaysia với “xương sống” hình thành là các CLB đá giải nhà nghề. Phong trào nhập tịch ngoại binh và số ngoại binh cho phép có thể phá nát đề án “bộ gene”. Các CLB trông chờ vào sức mạnh ngoại binh. Từ hậu vệ cứ phát bóng thật dài lên cho các tiền đạo Tây, bứt phá, tì đè và ăn bàn… làm sao thực thi bộ gene? CLB thua nhiều khiến HLV có thể mất việc, bị trảm, làm sao họ kiên trì thực thi xây dựng lối chơi.
Các nhà chuyên môn, các HLV tên tuổi của Malaysia đều cho rằng, “xây dựng bộ gene” là đúng, nhưng thực tế thực thi sẽ hầu như không thể.