Giải đấu AFF Cup 2024 kéo dài 1 tháng với 10 đội tuyển tham dự. Cầu thủ được xem là “tài sản” của CLB vì họ bỏ ra rất nhiều tiền để có được. Vì thế, nếu cầu thủ về khoác áo đội tuyển chấn thương nặng, CLB sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Trong vòng 7 năm qua, kể từ khi ông Gianni Infantino lên làm chủ tịch LĐBĐ thế giới (FIFA), họ đã trả tiền cho các CLB có cầu thủ về khoác áo đội tuyển. Những giải đấu có tính thương mại nên đi con theo con đường này và phải như thế, không có lý do gì “tài sản đắt giá” là cầu thủ lại dùng miễn phí, “hư hao” thì CLB phải gánh chịu.
Giải đấu AFF Cup hai năm một lần kéo dài 1 tháng, tương đối khốc liệt, giải lại không nằm trong lịch đấu của FIFA nên CLB có quyền không “nhả” cầu thủ”. Nhiều lãnh đạo CLB cũng nhận ra rằng, một tổ chức có quyền lực tối cao trong bóng đá như FIFA mà họ đã bắt bắt đầu sòng phẳng tài chính, không có lý do gì các giải khác không học theo.
Với quyền lực tối cao, tạo ra nhiều quy chế cuộc chơi nhưng FIFA đã dần bình đẳng khi “sử dụng tài sản” của CLB.
Kể từ khi ông Gianni Infantino lên làm chủ tịch FIFA, các kỳ World Cup từ nam đến nữ dần dần sòng phẳng trong tài chính. World Cup 2018, các đội tuyển càng vào sâu giải thì nhận tiền công từ FIFA càng cao. Đến World Cup 2022, FIFA tiếp tục tạo nên những cuộc cách mạng tiền công bằng việc trả tiền cho các CLB có cầu thủ chơi cho tuyển quốc gia.
Rồi World Cup nữ 2023, FIFA cũng tiến hành “cuộc cách mạng tiền công xứng đáng” trả công cho các đội tuyển tùy mức độ vào sâu giải và trả tiền cho LĐBĐ quốc gia có đội tuyển đó, cũng tùy theo thành tích của đội.
Đó là điều phải cần có đối với những giải đấu có tính thương mại cao như AFF Cup. Neymar đang thuộc biên chế Al Hilal (Saudi Arabia) bị chấn thương trong lần về khoác áo đội tuyển Brazil. Hai năm qua Neymar chữa trị, dưỡng thương nhưng mỗi ngày Al Hilal phải trả cho anh 12 tỉ đồng tiền lương, đó là chưa kể Al Hilal đã tốn “tiền núi” mới có được chữ ký Neymar.
AFF Cup 2024 này, khi tình hình kinh tế toàn thế giới khó khăn, các ông chủ của các CLB, nhất là những quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore hầu hết là những doanh nhân, doanh nghiệp tất nhiên họ phải so đo, toan tính thiệt hơn. AFF Cup không nằm trong lịch đấu của FIFA thì đó là cái cớ cho họ từ chối đưa quân lên tuyển bởi họ chẳng thu lợi được gì, trong khi đưa “tài sản” của CLB mình là cầu thủ lên đá AFF Cup bị chấn thương thì chính CLB là đơn vị chịu thiệt hại nặng nhất.
Bóng đá đang trong guồng thương mại hóa khốc liệt, CLB tốn rất nhiều tiền mua cầu thủ, FIFA, UEFA liên tục đẻ ra các giải đấu và nới “quota” ở vòng chung kết giải cho nhiều đội hơn tham dự, tính lan tỏa về mặt thương mại rộng hơn, dài hơn. Và tất nhiên bù lại FIFA cũng trả tiền xứng đáng hơn cho từng đội tham giải đấu của họ.
Có rất nhiều CLB lớn, giàu có lúc đầu từ chối FIFA Club World Cup phiên bản mới từ năm 2025 (tại Mỹ), nhưng cách trả công của FIFA thì chẳng ai thiệt thòi. Cuối cùng các ông chủ với những “não trạng” toan tính chiến lược thương mại, tài chính rất nhạy bén cũng không thể từ chối và họ “nhả quân” tham dự giải đấu.
AFF Cup có đơn vị chủ giải là LĐBĐ Đông Nam Á đã “chiều chuộng” nhà tài trợ bằng việc kéo dài giải đấu 1 tháng đã đến lúc cũng phải tính đến sự thiệt hơn, trả công xứng đáng cho các đội tuyển, các CLB góp quân cho các đội tuyển để CLB không phải thiệt thòi và họ tạo điều kiện đưa quân lên tuyển để phục vụ lại cho ban tổ chức là LĐBĐ Đông Nam Á với giải đấu chất lượng hơn.
CLB cảm thấy vai trò của mình “không ra gì”, chủ giải chỉ coi trọng nhà tài trợ, thì các CLB sẽ “phản đòn” bằng việc không nhà quân lên tuyển đá AFF Cup. Bóng đá có tính thương mại cực cao và hiệu quả, FIFA đã đi đầu trong “cuộc cách mạng ăn chia” không ai thiệt thòi thì những giải đấu có tính thương mại khác cũng phải học hỏi cách chia sẻ để tồn tại và phát triển qua chia sẻ quyền lợi.