Âm nhạc thật làm sao ‘lấy lòng’ khán giả mạng?

Sau giải thưởng Làn sóng xanhGiải thưởng POPS (POPS Awards) vừa trao giải trong tháng 12 vừa qua, hàng loạt giải thưởng âm nhạc và giải thưởng nghệ thuật có hạng mục âm nhạc sắp diễn ra: Giải thưởng âm nhạc Zing (Zing Music Award - ZMA), Mai Vàng, Giải thưởng âm nhạc Yan Vpop 20 năm 2015 (Yan Vpop 20 Awards - YVA), Bài hát yêu thích… và tháng 4 hằng năm là Giải thưởng âm nhạc Cống hiến.

Trông chờ vào những cú click

Trong các giải thưởng trên, Làn sóng xanh, Mai VàngCống hiến là những giải thưởng âm nhạc truyền thống lâu năm nhất. Thuở ban đầu của những giải thưởng này thể hiện rõ rệt thị trường nhạc Việt, mỗi giải thưởng mang một dấu ấn riêng biệt. Cụ thể: Làn sóng xanh tôn vinh được những ca khúc, nhạc sĩ, ca sĩ được giới trẻ yêu thích; Mai Vàng tìm ra được những ca khúc theo từng dòng nhạc nổi bật trong năm và Cống hiến vinh danh được những album, nghệ sĩ, nhạc sĩ đặt dấu ấn cho nhạc Việt trong mỗi năm. Thế nhưng trong khoảng hai, ba năm gần đây, các giải thưởng này ngày càng khó tạo dấu ấn riêng và đang dần bị các giải thưởng mới nổi lấn lướt.

Các giải thưởng âm nhạc mới như ZMA (sáu mùa giải), POPS (hai mùa giải), YVA (bốn mùa giải)… nhưng lại tạo được sự sôi nổi ở các phần tương tác bình chọn từ người nghe. Sự thay đổi đó đa phần do thay đổi thói quen từ nghe nhạc truyền thống bằng băng, đĩa sang nghe nhạc số của giới trẻ. Thế nên khi các bình chọn, tất cả đều chờ vào những cú “click” chuột thì dường như các giải thưởng âm nhạc chỉ mới phản ánh một phần nhỏ của thị hiếu nhạc trẻ chứ đó không phải là bộ mặt của thị trường âm nhạc trong năm.

Theo số liệu do Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (Internet World Stats) công bố thì tính đến hết tháng 6-2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng Internet, tương đương 48% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet. Số liệu này phần nào phản ánh được sự phát triển của các kênh nghe nhạc trực tuyến trở thành loại hình được ưa chuộng.


Sự kết hợp của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và ca sĩ Hà Anh Tuấn trong album Streets Rhythm được đánh giá cao về mặt chuyên môn nhưng chắc chắn sẽ không nằm trong danh sách tốp lượt nghe, tải... của các trang mạng và giải thưởng âm nhạc trực tuyến. Ảnh: QUỲNH TRANG

Được tôn vinh nhưng lạc lõng với thị hiếu

Có một thực tế khác là nhạc Việt thiếu vắng gương mặt ca sĩ với những dự án âm nhạc mang tính dấu ấn trong đời thực có thể thành công ở các trang mạng. Mỗi năm hệ thống album, dự án âm nhạc của các ca sĩ được đầu tư công phu, chất lượng đều vắng mặt ở các hệ thống giải thưởng âm nhạc trực tuyến như Trần Thu Hà, Hà Anh Tuấn, Hoàng Bách, Hồ Trung Dũng, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh… Bởi họ là những tên tuổi ca sĩ, nhạc sĩ không thuộc đối tượng có lượt xem, nghe, tải cao ở các trang mạng. Nhiều người sẽ cho rằng các ca sĩ này sẽ có giải Cống hiến tôn vinh họ. Đó cũng là một thực tế đúng nhưng tôn vinh xong, các nghệ sĩ này vẫn không có công chúng từ thị trường nhạc số vốn đang sôi động thì sự tôn vinh đó thật sự ý nghĩa hay không? Bởi không ít album được vinh danh tại Cống hiến lại có xếp hạng lè tè tại các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.

Dường như cho đến thời điểm hiện tại, những ca khúc và ca sĩ được tôn vinh ở các giải âm nhạc trực tuyến chỉ phản ánh bề nổi của nhạc Việt chứ chưa hẳn là những ghi dấu cho sự sáng tạo có thể đi đường dài. Và ngược lại, những dự án được kỳ vọng ghi dấu cho đường dài lại đang dần xa thị trường nhạc trực tuyến. Chỉ đến khi hai con đường này tiến gần được với nhau, thị trường nhạc Việt mới mong có phần phồn thịnh trở lại như thuở nhạc nhẹ thập niên 1990 hay thuở Làn sóng xanh thời vàng son với những tên tuổi ca sĩ, nhạc sĩ: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh, Thu Phương, Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Quang Dũng… Có lẽ còn xa lắm để các giải thưởng âm nhạc có thể trở thành nơi phản ánh bộ mặt nhạc Việt mỗi năm; ngày nào điều đó xảy ra mới hy vọng thị trường nhạc Việt có những bước đi cân bằng giữa thị hiếu công chúng - giải thưởng được trao và âm nhạc thật sự.

Tốp 3 tìm kiếm 2015 thuộc âm nhạc thời trang

Thị trường âm nhạc có những nghệ sĩ trẻ từ mạng, từ các giải thưởng qua mạng bước ra sân khấu thật đã và đang thành công: Sơn Tùng M-TP, Tiên Tiên, Suboi, Hoàng Touliver, Karik… Tốp 3 xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất trong năm 2015 trên Google của Việt Nam là ba ca khúc: Vợ người ta (Phan Mạnh Quỳnh), Âm thầm bên emKhông phải dạng vừa đâu (Sơn Tùng M-TP). Các ca sĩ này mỗi năm đều công bố vài music video trực tuyến có tương tác rất cao với khán giả mạng nhưng hầu hết sản phẩm âm nhạc của họ lại là những sản phẩm mang tính thời trang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm