Vừa qua, sự việc chị H. đăng lên trang facebook cá nhân về việc chị cùng một người bạn bị phạt 200 ngàn đồng vì để thừa 2,9 lạng rau sau khi dùng bữa tại một nhà hàng lẩu buffet nằm trên đường Yên Bái, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Chị H. còn bày tỏ sự không hài lòng với thái độ ứng xử của quản lý nhà hàng...
Bài viết của chị H. đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội.
Bài đăng của chị H. và hình ảnh nhà hàng cân rau. Ảnh: MXH
Phóng viên PLO đã liên hệ với chị H. Chị H. cho biết ngay hôm đó, tại nhà hàng, chị và bạn yêu cầu gặp chủ nhà hàng để được giải quyết nhưng không được gặp. Sau đó về nhà, bạn của chị có nhắn tin với chủ nhà hàng (thông qua số điện thoại trên namecard), lúc đó nhà hàng mới quan tâm tới sự việc của chị.
Chị H. cho biết chị không hài lòng về cách phục vụ của tại quán ăn này. Về việc giải quyết sự việc, chị H. cho biết chờ vào thái độ, cách cư xử tiếp theo của nhà hàng để chị xem xét.
PV cũng đã liên hệ nhà hàng. Đại diện nhà hàng cho biết việc khách ăn dư đồ ăn sẽ bị phạt là quy định của nhà hàng được in rõ trên menu và khi chọn món nhân viên đều tư vấn kỹ. Quy định này, hiện nay được rất nhiều nhà hàng buffet áp dụng.
Tuy nhiên, mặc dù thực đơn buffet được in với quy định phạt tiền nếu lãng phí thức ăn nhưng mục đích không phải là để phạt mà nhà hàng chỉ mong khách hàng của mình nâng cao ý thức về môi trường để tránh lãng phí, quảng bá văn hóa buffet và muốn tôn trọng công sức của đầu bếp. Nhà hàng hoàn toàn không cho rằng dùng tiền phạt để gia tăng lợi nhuận của nhà hàng.
Về việc chị H. bày tỏ thái độ không hài lòng với quản lý của nhà hàng, ngay khi sự việc xảy ra, nhà hàng cũng đã lắng nghe và liên lạc nhiều lần với chị H. để xin lỗi nhưng tới nay vẫn chưa gặp được chị H.
Vậy việc nhà hàng áp dụng phạt tiền như thế là đúng hay sai?
ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết về quy định phạt, đây là hợp đồng dịch vụ thuộc pháp luật dân sự điều chỉnh. Nhà hàng có đưa ra quy định được in rõ trên menu và khi khách chọn món đều được nhân viên tư vấn rõ nếu ăn thừa sẽ bị phạt.
Vì vậy, khách hàng vô ăn đều biết quy định này và người khách mặc dù không lên tiếng nhưng trong trường hợp này có thể hiểu họ đã chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng từ phía người bán (nhà hàng). Do đó, việc họ gọi món ăn và ăn thừa rồi bị phạt là đúng.
Ở các các quốc gia khác, việc ăn buffet mà lấy thức ăn thừa để bị dư, sau đó bị phạt là rất phổ biến. Điển hình như ở Thái Lan quy định phạt rất rõ ràng, nếu ăn dư thức ăn sẽ bị phạt 500 bath Thái và ai vi phạm đều bị xử lý như nhau, dù thức ăn dư thịt, tôm, cá hay rau.
Về hành vi chị H. đăng thông tin mà nêu đích danh nhà hàng là không đúng. Chị H. có thể đăng thông tin nhưng không được nói cụ thể và chính xác các chủ thể có liên quan. Nếu không đồng ý với việc xử phạt cũng như ứng xử của nhà hàng, chị H. có thể liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xử lý.
Về phía nhà hàng, nếu bài viết của chị H. xâm phạm đến uy tín của nhà hàng, nhà hàng có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 BLDS 2015.
Đồng tình, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đây là quan hệ giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán và không trái quy định của pháp luật. Vì vậy, việc khách bị phạt vì để dư thừa đồ ăn là đúng, không trái với quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc ăn buffet bị phạt nếu để dư thừa đồ ăn không còn xa lạ, nhiều nhà hàng tại Việt Nam đã áp dụng quy định này. Tuy nhiên, nếu khách hàng ăn lần đầu, số lượng thức ăn dư ít, nhà hàng có thể nhắc nhở nhẹ nhàng, ứng xử văn minh, vừa để nâng cao nhận thức chung, vừa để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".