Ai ôm nặng sự “tráo trở” đó đến gặp học giả An Chi - một người dành cả đời cho ngôn ngữ, chữ nghĩa thì sẽ nhận ra rằng chữ nghĩa thật ra đáng yêu, đáng quý vô cùng.
Với những bạn đọc từng yêu quý tạp chí Kiến thức ngày nay thì cái tên An Chi hay Huệ Thiên không hề xa lạ. Mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay những năm 1990 từng là một kho kiến thức ngôn ngữ, văn hóa cho nhiều thế hệ độc giả. Sau này, người đọc lại thấy An Chi trên các báo khác cũng với câu chuyện về từ ngữ, thế nhưng sự xuất hiện sau này trên các báo khá tản mát, độc giả khó theo dõi. Vì thế một bộ sách công phu gồm ba tập với tên gọi Rong chơi miền chữ nghĩa của tác giả An Chi lại được ra mắt độc giả.
Đem hứng khởi cho các công trình ngôn ngữ
Rong chơi miền chữ nghĩa gồm ba tập với dung lượng hơn 1.500 trang. Bộ sách này là tuyển tập 298 bài viết là những kiến giải về nguồn gốc, biến đổi theo thời gian của lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ báo chí, văn học. Những kiến giải của học giả An Chi dẫu có tranh cãi, có lật lại những vấn đề ngôn ngữ vốn đã được “đóng đinh” để đưa ra những phản bác mang tính tranh luận khoa học thì mục tiêu cuối cùng đều quy về việc làm sáng tỏ hơn ý nghĩa, nguồn gốc, sự thay đổi của từ nguyên, từ đó góp phần cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt.
Nói như nhà thơ Phan Hoàng trong buổi giao lưu với học giả An Chi vào sáng 8-10 tại NXB Tổng hợp TP.HCM thì: “Đóng góp lớn nhất của học giả An Chi về từ nguyên là góp phần đảo lộn những áp đặt của cây đa cây đề, đặt ra vấn đề mới để cùng nghiên cứu chứ không chỉ theo cái có sẵn. Đó là sự gợi hứng khởi cho những công trình nghiên cứu tiếp nối”.
Không chỉ nhà thơ Phan Hoàng mà nhà văn Lê Minh Quốc hay nhà báo Nguyễn Thế Thanh có mặt tại buổi giao lưu cũng đều thừa nhận con đường bền bỉ của học giả An Chi với chữ nghĩa là con đường rất đáng để những người có cơ duyên gắn với chữ nghĩa học hỏi.
Học giả An Chi ký tặng sách Rong chơi miền chữ nghĩa vào sáng 8-10 tại TP.HCM. Ảnh: QUỲNH TRANG
An Chi gốc Việt 100%
Với thời bây giờ, từ “đam mê” một điều gì đó được dùng khá nhiều và đôi khi thành vô lối nhưng với học giả An Chi, đam mê là sự thật. Nếu không đam mê từ nhỏ có lẽ ông chẳng dại gì học tiếng Quảng Đông để thành thạo đến độ nhiều người nghĩ ông là người gốc Hoa. Học giả An Chi lý giải “về âm Triều Châu hay Quảng Đông tôi hiểu nhờ tra cứu sách vở, nhất là từ điển các tiếng này. Trong đó, riêng Quảng Đông tôi phát âm khá chính xác và điều này làm nhiều người nhầm tôi gốc Hoa. Thật ra, thuở tôi 9-10 tuổi, đó là thời điểm Pháp trở lại miền Nam, nhà tôi cho tôi chạy giặc vào khu Chợ Lớn ở và đi học. Trường học ngày đó trong Chợ Lớn không có trường tiếng Việt nên tôi học trường Tam Dân Học Hiệu (nay là Trường THPT Trần Hữu Trang). Tôi có anh bạn hàng xóm người Quảng Đông sống trong gia đình mua bán bao bì, họ mua cả chục ký báo tiếng Tàu để gói đồ, tôi lại đọc tiếng từ mấy tờ báo đó. Sau này khi từ Bắc trở về lại TP, tôi làm ở ngành giáo dục, tối tối lại về Chợ Lớn bởi mẹ tôi bán ở đó. Trước nhà mẹ tôi lại cho một cô người Quảng Đông bán thuốc lá, tôi lại tiếp tục học theo cô này”.
Từ nguyên học trở thành máu thịt
Chuyện đến với tiếng Pháp hay ngôn ngữ khác của học giả An Chi cũng đơn giản như chuyện vào Chợ Lớn đi học, dường như tất cả là những cơ duyên trong đời. Thế nhưng để giữ gìn cơ duyên đó, yêu thích nó và sống hết mình với nó như học giả An Chi thì không phải ai cũng làm được.
Thuở 20 tuổi, học giả An Chi đã vượt tuyến ra Bắc theo diện học sinh yêu nước, trong tay cầm thư giới thiệu của một cán bộ cao cấp miền Nam gửi cho một bộ trưởng phía Bắc giới thiệu để Thiện Hoa (tên thật của học giả An Chi) có một công việc đặc biệt. Thế nhưng như lời của nhà thơ Phan Hoàng “vì tự trọng, ông Thiện Hoa đã không đưa bức thư đó ra”. Từ đó, ông đã làm đủ thứ việc từ tham gia thanh niên xung phong, làm tạp vụ ở nhà ăn, học nghề nguội, nghề tiện để làm công nhân, đi dạy bổ túc văn hóa, phụ trách thư viện… cho đến ngày trở về miền Nam vào tháng 8-1975 để công tác trong ngành giáo dục. Nhiều thuở không ai hình dung ra việc ông làm, không ít người cho rằng ông Thiện Hoa này không bình thường bởi đã không đủ ăn đủ mặc còn đi tìm từ nguyên.
Đã 26 năm nay kể từ khi ông cộng tác với Kiến thức ngày nay, nhiều phen vật đổi sao dời với bao bút danh, duy một điều không đổi ở học giả này là niềm đam mê chữ nghĩa. Bởi trong cả cuộc đời của mình, cho đến giờ đã 81 tuổi, học giả An Chi vẫn luôn khẳng định “chưa bao giờ có ý định bỏ từ nguyên học, đam mê từ nguyên học, nhất là từ nguyên Việt gốc Hán ăn sâu máu thịt tôi rồi”.
Không muốn sinh sự mà vẫn “bị” sinh sự Trong những phân tích của mình, tôi từng chỉ ra nhiều cái sai của tiền bối với giọng gay gắt hay mỉa mai nhẹ nhàng nhưng đó hoàn toàn không phải là tôi không tôn kính hay không quý trọng họ. Bởi 100 Huệ Thiên hay An Chi cũng không thể thay thế những tên tuổi đó. Tôi chỉ xin nói rõ nếp nghĩ của tôi là tôi làm chữ nghĩa, tôi vẫn nêu lên cái sai của người đi trước nhưng tôi vẫn tôn kính những người đó như thường. Về các bút danh: Tên tôi là Võ Thiện Hoa, Thiện Hoa nói lái là Họa Thiên; nghe Họa Thiên ghê quá, mà Hoa cũng là Huê, tôi đọc trại thành Huệ Thiên. Huệ là hoa huệ, Thiên mang nghĩa “vẻ tươi tốt của cây cỏ”. Nhưng sau một tai nạn nghề nghiệp, anh Nguyễn Quang Sáng và đoàn đã xuống tòa soạn gặp đương sự là Huệ Thiên với quyết định phải ngưng phụ trách Chuyện Đông chuyện Tây một thời gian. Tòa soạn kiếm người thay nhưng anh Sáng nói riêng tôi “ông cứ viết, miễn cứ làm sao không có Huệ Thiên”. Sau khi ngưng năm kỳ, tòa soạn lấy cho tôi bút danh Lão Ngoan Đồng nhưng tôi không thích, đến lúc báo in tôi lại thấy bút hiệu An Chi như tôi chọn. An Chi với tôi là “lão giả an chi” bởi không muốn sinh sự với ai nữa. Thế nhưng nhiều người nói “An Chi là y chang Huệ Thiên” (Ghi theo lời kể học giả An Chi). |