Chiều 17/1/2012, theo TTXVN, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định Cao Thị Tính cho biết, năm 2012 thành phố Nam Định sẽ đứng ra chỉ đạo để đảm bảo lễ hội đền Trần diễn ra an toàn, việc phát ấn được thực hiện như truyền thống. Số tiền thu được từ việc phát ấn sẽ được quản lý theo đúng quy chế, được công khai và nộp về kho bạc Nhà nước.
Tránh tình trạng đầu cơ, buôn bán ấn, Ban quản lý đền Trần giao trách nhiệm cho Tổ từ đền chỉ phát cho mỗi du khách 1-2 lá ấn. UBND tỉnh có công văn yêu cầu công an tỉnh tăng cường lực lượng, kiên quyết xử lý các hành vi mua bán ấn giả.
Không chịu nổi cảnh len lấn đến ngất xỉu, phụ nữ này đã phải ngoi lên và được đưa ra khỏi đám đông. Ảnh: Tiến Dũng.
TTXVN dẫn lời bà Tính, thay vì làm bằng vải như các năm trước, lá ấn năm nay sẽ thống nhất một loại bằng giấy theo đúng tập tục xưa, cũng như đa số ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa tại cuộc hội thảo được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức mới đây.
"Năm 2012, các quan chức cũng phải xếp hàng như người dân và sẽ chỉ được nhận ấn bắt đầu từ 7h sáng 15 tháng Giêng", bà Phó chủ tịch TP Nam Định nói.
Theo Đề án tổ chức Lễ hội đền Trần năm 2012 được Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Nam Định thông qua, đêm 14 tháng Giêng Nhâm Thìn, nhà đền sẽ chỉ đóng 11 lá ấn dâng tại các đền, chùa trên địa bàn phường Lộc Vượng.
7h sáng 15 đến hết tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ phát ấn rộng rãi cho nhân dân và du khách thập phương tại ba nhà Giải Vũ, phía trước nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số điểm tại khu vực vườn cây hai bên hồ nước phía trước đền. Nhà đền không ấn định số lượng ấn phát ra nhưng sẽ đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu của du khách.
Cả nghìn người dân phải chen lấn, giẫm đạp chỉ để lấy được lá ấn giúp thăng quan tiến chức. Ảnh: Tiến Dũng.
Trước đó, 23h đêm 16/2/2011, tại đền Trần (Nam Định), trong khi các cụ cao niên làm lễ tế, hàng nghìn người từ khắp nơi chen lấn, xô đẩy với hy vọng lấy được lá ấn để sự nghiệp được thăng tiến. Một số phụ nữ ngất xỉu phải cấp cứu tại chỗ, ngay từ vòng ngoài. Bên trong đền, cả nghìn người dân phải chen lấn, giẫm đạp đến toát mồ hôi giữa cái lạnh 10 độ C chỉ để có được chiếc ấn.
Dù Ban tổ chức cho biết, ấn được phát miễn phí, nhưng hầu hết người dân muốn xin một chiếc ấn đều "ra lộc" 20.000-50.000 đồng. Điều này khiến tình trạng buôn bán ấn diễn ra công khai. Để không phải chen lấn mà vẫn có được ấn vua, nhiều người dân đã phải bỏ ra 100.000 đồng.
Trong khi các nhà nghiên cứu khảo cổ và Hán Nôm cho rằng cần chấm dứt lễ khai và phát ấn đền Trần thì các nhà nghiên cứu địa phương lại nêu ý kiến cần tổ chức lễ hội hàng năm, việc chen lấn, xô đẩy là không tránh khỏi.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh kết luận, các nghiên cứu lịch sử cho thấy việc khai ấn tại đền Trần là có, nhưng việc tổ chức in ấn và phát ấn như hiện nay thì chưa tài liệu lịch sử nào ghi chép. Do đó, lễ khai ấn đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống, không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng.
Theo Tiến Dũng (VNE)