Ấn Độ-Nga: Vì ta cần nhau!

Ngày 10-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Ấn Độ tham dự hội nghị cấp cao thường niên Ấn-Nga lần thứ 15. Hội nghị được khởi động từ năm 2000 theo sáng kiến của ông Putin.

Báo Mint (Ấn Độ) ngày 8-12 đã đăng bài xã luận với nhan đề “Làn gió hữu nghị từ Moscow”nhận định hội nghị Ấn-Nga là cơ hội hai bên cần tận dụng để củng cố quan hệ hợp tác vốn đã chùng trong những năm qua.

Năm 1908, nhà cách mạng Ấn Độ Tarak Nath Das đã viết thư cho nhà văn Nga Lev Tolstoy để xin lời khuyên cho cuộc đấu tranh giành tự do của Ấn Độ trước ách đô hộ của thực dân Anh.

Trong thư trả lời với nhan đề “Thư gửi cho một tín đồ Ấn Độ giáo”, Lev Tolstoy gợi ý Ấn Độ nên đấu tranh bất bạo động bằng các hình thức biểu tình, bãi công. Thư đã đến tay người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, người lãnh đạo cuộc chiến bất bạo động giành độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947. Mahatma Gandhi và Lev Tolstoy đã thư từ qua lại đến lúc Tolstoy qua đời năm 1910.

Báo Mint bình luận thế giới đã thay đổi nhiều từ khi Lev Tolstoy viết thư khuyên người Ấn Độ nhưng quan hệ Ấn-Nga vẫn mang đậm tinh thần hữu nghị và thấu hiểu lẫn nhau.

Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Narendra Modi tại hội nghị các nền kinh tế mới nổi BRICS ở Fortaleza (Brazil) hồi tháng 7. Ảnh: BUSSINESS INSIDER

Trong thời gian qua, tính thụ động trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ đã kìm hãm quan hệ Ấn-Nga trong khi đây lại là quan hệ song phương quan trọng nhất của Ấn Độ.

Giờ đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Putin sẽ gặp nhau vào thời khắc quan trọng về kinh tế.

Vì quyết định sáp nhập Crimea, Nga đang đối phó với lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây. Cộng với giá dầu giảm mạnh, kinh tế Nga có nguy cơ suy thoái vào đầu năm sau do nguồn thu dầu khí chiếm đến 50% thu ngân sách quốc gia Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ đang nỗ lực trở lại con đường tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi, người đã thể hiện chính sách ngoại giao chủ động từ lúc cầm quyền.

Chính sách ngoại giao chủ động đòi hỏi Ấn Độ thẩm định các nhu cầu chiến lược và kinh tế, đồng thời nuôi dưỡng mối quan hệ với các nước có thể đáp ứng các nhu cầu này.

Lúc này, Nga cần một khách hàng lớn tiêu thụ khí đốt Nga và Ấn Độ cần nhà cung cấp lâu dài để bảo đảm nguồn cung. Giá dầu khí đang giảm, Ấn Độ không thể bỏ lỡ cơ hội ký với Nga thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn.

Theo truyền thống, quốc phòng là lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác Ấn-Nga. Tuy nhiên, trong mấy năm qua quan hệ này đã bị buông lỏng.

Đàm phán giữa hai nước về dự án hợp tác sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm đã kéo dài gần năm năm nhưng vẫn mờ mịt. Để tạo đột phá trong đàm phán cần phải có tác động của lãnh đạo hai nước.

Ấn Độ đang cấp thiết cần một hạm đội tàu ngầm hiện đại thay thế cho hạm đội tàu ngầm sử dụng công nghệ cũ. Trong khi đó, Nga đã bắt tay sản xuất tàu ngầm mới lớp Borei chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Modi cần thuyết phục Nga bán tàu ngầm này.

Sau chiến tranh lạnh, để bảo đảm lợi ích địa-chính trị, Ấn Độ đã hơi xa rời Nga và nghiêng về Mỹ. Nằm giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân là Trung Quốc và Pakistan, Ấn Độ cần Mỹ ủng hộ. Dù vậy, báo Mint cho rằng ngoài Mỹ, Ấn Độ cũng lôi kéo Nga ủng hộ nên Ấn Độ phải khéo léo trong ngoại giao để cân bằng quan hệ với hai bên.

________________________________________

15 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng hạt nhân, hải quan, ngân hàng sẽ được ký kết giữa Ấn Độ và Nga nhân chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Putin.

BỘ NGOẠI GIAO ẤN ĐỘ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm