Tại cuộc họp báo ở Doha (Qatar) vào ngày 15-1, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani thông báo rằng các nhà đàm phán đã đạt được một thỏa thuận theo từng giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và Hamas. Ngày 17-1, nội các Israel đã thông qua thỏa thuận này.
Các nhà trung gian hy vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ có hiệu lực vào ngày 19-1.
Theo Thủ tướng Al Thani, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn Gaza sẽ kéo dài trong 42 ngày và bao gồm lệnh ngừng bắn, quân Israel rút khỏi các khu vực đông dân cư, trao đổi con tin và tù nhân, trao đổi thi thể và đưa người dân Gaza di tản trở về nhà.
Hamas sẽ thả 33 con tin Israel trong giai đoạn đầu tiên, bao gồm dân thường và nữ binh lính, trẻ em, người già và người bệnh để đổi lấy một số lượng người Palestine đang bị giam trong các nhà tù Israel. Những người bị thương ở Gaza sẽ được phép rời khỏi vùng đất này để được điều trị, trong khi viện trợ sẽ được phép vào Dải Gaza.
Số con tin còn lại, tổng cộng là 65 người, sẽ chỉ được Hamas trả tự do nếu các bên có thể đồng ý về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn.
Theo tờ The Wall Street Journal, các điều khoản chung của thỏa thuận ngừng bắn mà Israel và Hamas vừa đạt được có kết quả không khác biệt mấy so với những điều khoản mà cả hai bên đã đạt được 8 tháng trước. Điều thay đổi chính là bối cảnh dẫn đến thỏa thuận này.
Hamas liên tục thất bại
Theo The Wall Street Journal, việc lãnh đạo Hamas – ông Yahya Sinwar bị giết vào tháng 10-2024 là bước ngoặt đưa đến thỏa thuận ngừng bắn.
Ngay cả cho đến gần đây, Hamas dưới sự lãnh đạo của ông Mohammed Sinwar – em trai Sinwar – vẫn có lập trường cứng rắn về các cuộc đàm phán và tiếp tục tuyển quân các thành viên mới để tiếp tục cuộc chiến ở Gaza. Dù vậy, Hamas vẫn nhận nhiều thất bại.
Trước xung đột, phía Israel cho rằng Hamas có tới 30.000 thành viên được sắp xếp thành 24 tiểu đoàn. Gần đây, lực lượng Israel cho biết họ đã phá hủy cấu trúc của lực lượng Hamas và hạ khoảng 17.000 thành viên, bắt hàng ngàn thành viên khác của Hamas. Hamas chưa xác nhận thông tin này.
Hamas cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ người dân Gaza về việc phải chấm dứt xung đột. Hơn 1 năm qua, người dân Gaza đã phải chịu đựng sự tàn phá, chết chóc, sơ tán, sự sụp đổ của luật pháp và trật tự. Trên mạng xã hội, người dân Gaza kêu gọi Hamas chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn. Nhiều người dân Gaza cũng kêu gọi Chính quyền Palestine kiểm soát Gaza, thay cho Hamas.
"Những canh bạc của Hamas trong xung đột đã không đúng chỗ. Có vẻ như họ đã không lường trước được phản ứng dữ dội của Israel hoặc nhận ra rằng những con tin mà họ đang giữ sẽ không phải là ‘con bài’ mạnh. Trong khi đó, Israel coi đây là một cuộc chiến sinh tồn" – nhà phân tích chính trị Akram Atallah nêu quan điểm.
Ông Netanyahu “biến nguy thành an”
Nửa đầu năm 2024, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu đã tốn nhiều thời gian để cố gắng duy trì liên minh cầm quyền của ông. Khi ấy, Israel trải qua một cuộc chiến khó khăn với Hamas ở Gaza, phải đối mặt những mối đe dọa đáng ngại từ Iran và lực lượng đồng minh của nước này ở Lebanon – nhóm vũ trang Hezbollah.
Sau đó, tình thế đã đảo ngược. Israel đã giết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar ở Gaza và khiến Hezbollah suy yếu bằng loạt hành động, buộc nhóm này đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.
Cuối tháng 12, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria sụp đổ, tạo ra một lỗ hổng lớn hơn trong mạng lưới đồng minh của Iran. Cùng lúc đó, nhiều người dân Palestine kêu gọi thành lập chính quyền mới quản lý Gaza thay cho Hamas.
Bên ngoài Trung Đông, ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau khi giành chiến thắng, ông Trump cảnh báo "cảnh địa ngục sẽ xảy ra ở Trung Đông" nếu các con tin bị giam ở Gaza không được thả vào thời điểm ông nhậm chức vào ngày 20-1. Dù ông Trump chưa giải thích ý của lời cảnh báo này là gì nhưng rõ ràng thông điệp của ông khiến các bên liên quan phải cân nhắc hành động của họ.
Ông Netanyahu đã nhiều lần nói rằng ông đã nỗ lực hướng tới thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, trong nhiều tháng, ông đã phải đối mặt với những cáo buộc từ chính cơ quan an ninh Israel về việc chậm trễ trong việc giúp Israel đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9-2024, một loạt thành công trong hoạt động quân sự của Israel đã củng cố vị thế chính trị của ông Netanyahu. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết chính những tổn thất trong quá trình xung đột và áp lực từ ông Trump đã buộc Hamas phải chấp nhận ngừng bắn.
"Mỹ gây áp lực, đến trực tiếp từ Tổng thống Trump. Tôi nghĩ đây là động lực to lớn, đặc biệt là đối với Thủ tướng Netanyahu. Nhưng thỏa thuận này rất mong manh” – ông Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại nhóm nghiên cứu Chatham House (Anh), cho biết.
Các thành viên cực hữu trong chính phủ của ông Netanyahu đã công khai lên án thỏa thuận này. Họ cho rằng thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Gaza mà không cần phải nhổ tận gốc Hamas. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, ông Netanyahu đã đạt được bước tiến trong việc huy động sự ủng hộ cho thỏa thuận và chấp nhận sự chỉ trích từ phe cực hữu.
Theo một cuộc khảo sát của ĐH Hebrew ở Jerusalem, người dân Israel nói chung ủng hộ thỏa thuận. 60% người được hỏi cho biết họ tin rằng Israel đã đạt được các mục tiêu quân sự ở Gaza và nên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giải cứu các con tin.
"Về cơ bản, ông Netanyahu đã đi đến kết luận rằng ông ấy có thể thực hiện thỏa thuận này, tiếp tục nắm quyền và được ghi nhận ở một mức độ nào đó vì đã giải cứu được các con tin", theo ông Gadi Wolfsfeld, nhà khoa học chính trị tại ĐH Reichman (Israel), nhận định.