Vào ngày 19-12-2024, phát ngôn viên nhóm vũ trang Houthis (Yemen) - ông Yahya Saree tuyên bố nhóm này đã tấn công tên lửa đạn đạo siêu vượt âm vào trung tâm Israel.
Một tuần sau, Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào sân bay quốc tế Sanaa, các trạm điện Hezyaz và Ras Kanatib, cùng cơ sở hạ tầng của Houthis tại các cảng trên khắp Yemen.
Các hành động quân sự “ăn miếng trả miếng” này đã châm ngòi cho một vòng xoáy leo thang mới giữa Israel và Houthis. Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng Houthis sẽ đi theo con đường thất bại của Hamas, Hezbollah và Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Trong khi đó, quan chức thuộc Cục Chính trị Houthis - ông Mohammed al-Bukhaiti, tuyên bố sẽ gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào Israel cho đến khi nước này chấm dứt “cuộc diệt chủng ở Gaza”.
Liệu căng thẳng này sẽ diễn biến thế nào?
Israel không dễ thắng Houthis
Mặc dù các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã phần lớn cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu thương vong dân sự từ các cuộc tấn công tên lửa của Houthis, nhưng những cuộc tấn công này vẫn là một vấn đề nan giải đối với Israel.
Cảng Eilat (Israel) không còn là một trung tâm vận chuyển đáng tin cậy, và một số tàu Israel buộc phải đi vòng qua châu Phi theo các tuyến đường dài và phức tạp hơn.
Các cuộc tấn công đã khiến các hãng hàng không nước ngoài hủy bỏ các chuyến bay đến Israel và ngành du lịch bị đình trệ. Những thiệt hại đối với nền kinh tế Israel có thể sẽ tiếp diễn, khi một số tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Houthis vẫn có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tinh vi của Israel.
Tại sao Israel lại gặp khó khăn trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa từ Houthis? Theo tờ The New Arab, sự thiếu chuẩn bị cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV có thể là lý do.
Mặc dù lãnh đạo Houthis - ông Abdul Malik al-Houthi đã tuyên bố vào tháng 3-2018 rằng “chúng tôi sẵn sàng cử chiến binh tham gia bất kỳ cuộc chiến nào nếu Israel chống lại Lebanon hoặc Palestine”, các quan chức Israel vẫn ít chú ý đến mối đe dọa từ Houthis.
Khi Houthis tấn công một tàu chở dầu của Saudi Arabia trên đường tới Ai Cập vào tháng 8-2018, Thủ tướng Netanyahu đã đe dọa hành động quân sự nếu Iran chặn eo biển Bab al-Mandeb, nhưng chính sách của Israel đối với nhóm Houthis vẫn không rõ ràng.
Houthis đã âm thầm mở rộng khả năng tấn công bằng tên lửa và UAV mà Israel không chú ý, cho đến khi cuộc chiến ở Gaza bùng nổ vào tháng 10-2023, khiến Israel rơi vào thế bị động.
Thời gian qua, cường độ không kích không liên tục của Israel, Mỹ và Anh nhằm vào các tài sản hàng không của Houthis thấp hơn nhiều so với những gì nhóm này từng đối mặt trước đây, và Houthis đã sẵn sàng để chịu đựng những cuộc tấn công này.
“Nếu chúng ta học được điều gì từ thập niên qua, thì đó là chiến dịch không kích đơn thuần không thể răn đe Houthis. Điều này chỉ làm họ thêm mạnh mẽ” - ông Nadwa al-Dawsari, một chuyên gia về Yemen và học giả tại Viện Trung Đông (trụ sở Mỹ), nói với The New Arab.
Điều này có nghĩa là Israel sẽ phải cam kết một chiến dịch quân sự rộng lớn hơn và xây dựng một liên minh đa phương quy mô lớn nếu muốn thực sự làm suy giảm năng lực của Houthis.
Cách Iran có thể hỗ trợ Houthis
Khi sự sụp đổ của Tổng thống Syria al-Assad và các cuộc không kích của Israel làm suy yếu đáng kể năng lực của “Trục Kháng chiến” do Iran dẫn đầu, Yemen trở nên vô cùng quan trọng đối với Tehran.
Trong bài phát biểu chào năm mới, lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei ca ngợi Houthis và Hezbollah là “biểu tượng của kháng chiến” và khẳng định Yemen sẽ giành chiến thắng.
Cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Allahkaram gần đây tuyên bố Yemen đã thay thế Syria trở thành trụ cột chính của “Trục Kháng chiến”.
Ông Ibrahim Jalal - một chuyên gia về Yemen và học giả tại viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ) - tin rằng những tuyên bố từ phía Iran cần được xem xét một cách nghiêm túc.
“Houthis đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy leo thang của Trục Kháng chiến” - ông Jalal nói, lập luận rằng việc Hezbollah bị suy yếu, ông al-Assad mất quyền lực, và các lực lượng dân quân Iraq hạn chế hoạt động sẽ dẫn đến việc Iran tăng cường hỗ trợ Houthis.
Mặc dù Houthis khẳng định nhóm này tự chủ trong sản xuất vũ khí, Iran được cho là đã mở rộng các đợt vận chuyển vũ khí tới Yemen. Sự tương đồng giữa tên lửa Palestine-2 và các tên lửa lớp Fattah của Iran có thể là minh chứng.
Houthis cũng có thể nhận hỗ trợ từ Iran thông qua các hình thức khác. Chuyên gia an ninh Iran Hassan Hanizadeh cho rằng, nếu Houthis quyết định thực hiện một đợt tấn công tên lửa quy mô lớn hơn nhằm vào Israel, nhóm này có khả năng nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng dân quân ở Iraq.
Houthis và Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo Iraq đã bắt đầu phối hợp các hoạt động quân sự chống lại Israel từ tháng 5-2024, và Houthis cũng đang điều hành một văn phòng chính trị tại thủ đô Baghdad (Iraq).
Nguy cơ leo thang xung đột Israel-Houthis
Sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Houthis có nguy cơ làm bùng phát trở lại cuộc nội chiến Yemen. Gần đây, Hội đồng Chuyển tiếp Miền Nam (STC) - một tổ chức ly khai ở miền nam Yemen được Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hậu thuẫn - liên tục kêu gọi các hành động quân sự mạnh mẽ hơn nhằm vào Houthis.
Mặc dù Houthis dường như kiểm soát chặt chẽ khu vực miền bắc Yemen, nhờ kho vũ khí lớn và hàng ngàn chiến binh thiện chiến, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền ông al-Assad ở Syria đã khiến một số đối thủ của Houthis hy vọng vào một kịch bản tương tự ở Yemen.
Tuy nhiên, hiện tại Houthis tự tin rằng nhóm này sẽ giữ vững được thủ đô Sanaa và các đối thủ khó có thể tiến xa. Nhà báo người Yemen Nasser Arrabyee chia sẻ với The New Arab rằng “các cuộc không kích của Israel đang củng cố vị thế của Houthis” bởi tất cả người Yemen đều đứng về phía Hamas và Palestine chống lại “sự chiếm đóng, diệt chủng và thanh lọc sắc tộc của Israel”.
Nguy cơ khu vực hóa xung đột Israel-Houthis cũng đang gia tăng. Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30-12-2024, Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar đã cố gắng xây dựng một liên minh đa phương chống lại Houthis và kêu gọi sự đồng thuận quốc tế về việc xem Houthis là một tổ chức khủng bố quốc tế.
Ông Sa’ar chỉ ra mối đe dọa của Houthis đối với hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ và kênh đào Suez (Ai Cập) để thuyết phục cộng đồng quốc tế.
Việc Saudi Arabia bị cho là có liên hệ với cuộc chiến của Israel chống lại Houthis có thể kéo quốc gia này vào cuộc xung đột. Vào tháng 7-2024, Houthis cáo buộc Saudi Arabia và Mỹ ép Ngân hàng Trung ương Yemen ở TP Aden (Yemen) chặn các giao dịch tài chính với các ngân hàng ở Sanaa, đồng thời cảnh báo sẽ “tuyên chiến với Riyadh” nếu áp lực tài chính này tiếp tục.
Saudi Arabia sau đó đã giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao và ký kết “thỏa thuận giảm leo thang kinh tế” với Houthis. Tuy nhiên, kênh truyền thông Al-Masirah do Houthis điều hành vẫn tiếp tục lan truyền các thuyết âm mưu về sự hợp tác giữa tình báo Anh và Saudi Arabia, đồng thời coi Saudi Arabia là một bên gây hấn đối với Yemen.
Nhiều nhà phân tích Yemen cho rằng việc xung đột giữa Houthis và Saudi Arabia tái diễn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặc dù các cuộc tấn công của Houthis vào các tài sản vận tải hàng hải ở Biển Đỏ đã giảm 44% trong nửa cuối năm 2024, nhóm này vẫn là mối đe dọa đối với hoạt động thương mại. Các chuyên gia cho rằng nếu giao tranh Houthis-Yemen leo thang, các tàu của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đỏ có thể là mục tiêu tiếp của Houthis.
Giới lãnh đạo Houthis nhấn mạnh sự hỗ trợ quân sự của Đức cho Israel và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc vận chuyển dầu và vũ khí tới Israel là các yếu tố làm gia tăng căng thẳng.
Trong khi lệnh ngừng bắn mong manh ở Lebanon vẫn được duy trì và các cuộc đàm phán với Hamas về việc thả con tin tại Gaza đang có tiến triển, Yemen đang trở thành một mặt trận leo thang mới trong căng thẳng giữa Israel và Iran.
Khi cả Israel và Houthis đều không thể giành thế thượng phong thông qua các biện pháp quân sự, người dân Yemen vốn đã chịu nhiều khổ đau sẽ tiếp tục là những người chịu tổn thất lớn nhất.