Giải cứu 7 thanh niên bị lừa bán làm "lao động khổ sai"

Tại xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi trong khi nhiều nạn nhân vẫn chưa giải thoát thì mới đây có thêm 7 thanh niên ở xã tiếp tục bị lừa. Lực lượng Công an xã Sơn Hạ đã kịp thời ngăn chặn, cứu 7 thanh niên trên.
 
Chiêu cũ nạn nhân mới
 
Ngày 4-9, ông Cao Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà - kiêm Trưởng Công an xã Sơn Hạ, cho biết, Công an xã Sơn Hạ vừa ngăn chặn vụ lừa 7 thanh niên đưa lên tỉnh Lâm Đồng. Đây là đường dây đã lừa nhiều thanh niên ở xã Sơn Hạ lên huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, rồi bán lại cho các chủ rẫy, chủ cửa hàng ép lao động khổ sai.
 

Giải cứu 7 thanh niên bị lừa bán làm "lao động khổ sai" ảnh 1
Các thanh niên được Công an xã Sơn Hạ giải cứu trên đường bị lừa lên tỉnh Lâm Đồng
Từ đơn tố cáo của nhiều thanh niên trước đó bị lừa, Công an xã Sơn Hạ đã bắt quả tang đối tượng Lê Quang Kiên (31 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) hành nghề lái xe ôm đang đưa 7 thanh niên đều ở xóm Nham, thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ lên xe taxi đưa xuống TP Quảng Ngãi để tiếp tục lên Tây Nguyên. Tài xế taxi tên Đỗ Phú (22 tuổi, ở xã Hành Thuận, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho biết, trước đó chở một người phụ nữ tên Lệ đến ngân hàng ở TP Quảng Ngãi rút tiền. Sau đó người phụ nữ này thuê taxi lên huyện Sơn Hà đưa 3,5 triệu cho đối tượng tên Lê Quang Kiên, rồi chở 7 thanh niên xuống Tp Quảng Ngãi gặp bà. Tên Kiên khai nhận phụ tá bà Lệ tìm, đưa người lao động đi Tây Nguyên. Theo 7 thanh niên được giải cứu cho biết, qua mai mối, bà Lệ liên lạc điện thoại và cam kết đưa 7 người lên tỉnh Đắc Lắc làm việc với mức lương trên 3,5 triệu đồng/1 tháng. Bà Lệ sẽ lo mọi chi phí đi lên và cho ứng trước tiền. Tuy nhiên, những nạn nhân ở xã Sơn Hạ trước đó bị bà Lệ lừa đã viết đơn vạch trần, không như bà Lệ cam kết ban đầu đưa đi lao động tại tỉnh Đắc Lắc, các nạn nhân bị đưa lên Lâm Đồng và bị nhốt, đánh đập và bị “bán” đi. Gia đình phải bỏ trên 3 triệu đồng mới chuộc về. Bán vườn lên Lâm Đồng chuộc conTố cáo thủ đoạn của đường dây lừa đưa người lao động lên tỉnh Lâm Đồng, anh Đinh Bài, 31 tuổi, ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ vô cùng bức xúc cho biết. “Cuối tháng 7-2012, bà Lệ lên tận nhà chúng tôi và giới thiệu việc làm ở tỉnh Đắc Lắc. Do chúng tôi không có việc làm ổn định nên nhận lời. Bà Lệ viết giấy hợp đồng với mức lương 3,5 triệu đồng/1tháng”. Đinh Bài cùng 5 thanh niên khác gồm Đinh Quốc, 24 tuổi, Đinh Văn Mang, 29 tuổi, Đinh Văn Bao, 20 tuổi, Đinh Huy, 18 tuổi, đều ngụ thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ và Đinh Ruôn, 27 tuổi, ở thôn Cà Tu, xã Sơn Hạ được bà Lệ đưa bằng xe đò lên Tây Nguyên.
Giải cứu 7 thanh niên bị lừa bán làm "lao động khổ sai" ảnh 2
Đối tượng Lê Quang Kiên, phụ tá bà Lệ tìm, đưa người lao động lên Tây Nguyên
Không như cam kết đến tỉnh Đắc Lắc làm việc, bà Lệ đưa 6 thanh niên đến tỉnh Lâm Đồng. Tại huyện Đức Trọng, một xe ô tô 12 chỗ ngồi đến đón chở đến một ngôi nhà. Tại đây họ bị nhốt vào một phòng ẩm thấp, tối tăm. Sau này mới biết đây là trụ sở Công ty TNHH Đức Hoàng, ở thôn Đoàn Kết, N’thôn Hạ, huyện Đức Trọng, do ông Cao Ngọc Khoa làm giám đốc. Nghĩ lại anh Đinh Quốc vẫn còn kinh hãi: “Trong phòng này có nhiều người bị nhốt trước đó. Những người này đến từ tỉnh Quảng Nam, Bình Định. Gần nửa ngày họ bị nhốt, luôn có người canh cửa. Đến buổi ăn, mỗi người được một tô mì tôm cầm bụng”. Buổi chiều có một số chủ rẫy đến đây xem mặt lao động “mua” về. Ngược lại hoàn toàn, lương mỗi người chỉ 2 đến 2,2 triệu đồng/1 tháng. Nếu ai không chịu đi làm, ký hợp đồng thì bị một số đối tượng “cai” đánh đập. Biết tình thế không nhận việc thì bị tiếp tục nhốt, hành hạ, và tính tiền ăn, ở mỗi ngày, anh Bài, Quốc đành ký hợp đồng với một ông chủ ở huyện Lâm Hà kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong bản hợp đồng ghi rõ, lương 2,2 triệu đồng/1tháng. Mỗi lao động phải trả 3,1 triệu đồng cho Công ty TNHH Đức Hoàng. Trong đó, tiền xe 600.000đ, tiền ăn (một gói mì tôm) 100.000đ, tiền giới thiệu việc làm 400.000đ, tiền dịch vụ 700.000đ và tiền ứng trước 1.000.000đ. Khi chủ rẫy nhận lao động phải trả toàn bộ số tiền lao động nợ Công ty. Sau này lao động sẽ làm trừ nợ qua tiền lương. Anh Bài và Quốc theo ông ông chủ mới về Lâm Hà, hàng ngày quần quật bốc vác xi măng, vật liệu xây dựng. Công việc quá mệt nhọc, được nửa tháng, anh Bài liên lạc cầu cứu gia đình. Cha anh Quốc và anh Bài phải chạy vay mượn đủ tiền, đón xe đò lên tận Lâm Đồng chuộc anh Bài và Quốc về. Riêng số người còn lại vì gia đình nghèo nên không có tiền chuộc về, đành cam chịu làm lụng để đủ tiền trả nợ thoát khỏi cảnh hành hạ. Được biết, vài năm trở lại đây ở tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xuất hiện một số Công ty môi giới việc làm. Lợi dụng các rẫy, vườn thiếu người lao động, các công ty, cơ sở này đã lập nhiều đường dây, chân rết khắp miền Trung - Tây Nguyên lừa gạt giới thiệu việc làm. Một số phương tiện thông tin đã phản ánh tình trạng lừa này. Chính quyền địa phương một số nơi đã lập đoàn lên tận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giải thoát, đưa người dân địa phương bị lừa về. Gần đây, một số công ty lừa lao động chuyển sang huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mở “động” hoạt động. Các chân rết, “cò” vẫn có mặt nhiều vùng quê ở miền Trung lừa thanh niên lên Tây Nguyên.
Theo ANTĐ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm