Tuổi đời mới 17 nhưng với lòng yêu nước dạt dào, Phạm Tất Đắc đã dốc hết gan ruột của thiếu niên yêu nước mà viết nên Chiêu hồn nước khiến cho chính quyền thực dân phải lo sợ mà trấn áp.
Vang động bài thơ Chiêu hồn nước
Theo hồ sơ vụ án của Tòa Thượng thẩm, Phạm Tất Đắc có cha là Phạm Văn Huy, mẹ là Lê Thị Mười (trong Gương người xưa (Tế Xuyên) ghi cha là Phạm Văn Hạnh, mẹ là Lê Thị Giáo). Quê Đắc ở làng Dũng Kim, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, Hà Nam dạo ấy.
Khắp nơi để tang cụ Phan Châu Trinh. Ảnh: TƯ LIỆU
Năm 1926 khi cụ Phan Châu Trinh mất, Đắc đang là học sinh Trường Bưởi. Đắc tham gia bãi khóa để tang cụ và bị đuổi.
Đầu năm 1927, bài Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc được nhà in Thanh niên in và phát hành rộng rãi, gây nên tiếng vang lớn trong công luận dạo ấy với những câu khuấy động lòng yêu nước:
Cũng nhà cửa cũng giang sơn,
Thế mà nước mất nhà tan hỡi giời.
Hay câu:
Đồng bào hỡi! Con nhà Đại Việt,
Có thân mà không biết liệu đời,
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người ai thương.
Lúc làm bài Chiêu hồn nước, Đắc chỉ là một cậu học trò 17 tuổi ta (sinh năm 1909), ấy vậy mà lời thơ theo lối cổ nhưng tình ý, giọng điệu ào ạt như những lớp sóng xô, như giục giã, như thôi thúc đồng bào tỉnh giấc ngủ mê để lo việc nước:
Nghiến răng một cái thẹn thùng,
Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông.
Hoặc là:
Hồn trở về non sông nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn.
Theo lời khai của Lê Cương Đồng cũng như báo cáo của sở Cẩm và cáo trạng của chủ tọa tại phiên tòa xử vụ Chiêu hồn nước, thì nhà in Thanh niên, địa chỉ tại số 108 dốc Hàng Gà đã in 1.000 quyển Chiêu hồn nước dạo tháng 3-1927.
Sau khi sách được in, đích thân tác giả gửi các hiệu sách ở Hà Nội như các hiệu sách ở Hàng Gai, Hàng Bông bán, được nhiều người tìm mua đọc và lan truyền rất nhanh.
Đến ngày 21-3-1927, mật thám phát hiện Chiêu hồn nước được lưu hành. Sở Cẩm liền mua sách ấy, cho dịch và nhận định: “Sách này là sách xui làm dối [rối] loạn, phản đối chính phủ”. Thế là Phạm Tất Đắc và ông chủ nhà in liền bị bắt. Lúc ấy Đắc 17 tuổi còn Lê Cương Đồng 30 tuổi.
Có một điều rất cần đính chính cho được rõ. Lâu nay một số tài liệu nói Chiêu hồn nước được viết ra nhân sự kiện nhà yêu nước Lương Văn Can tạ thế. Tuy nhiên, điều này thực sự không chính xác.
Vụ án Phạm Tất Đắc được đưa ra xử lần đầu ngày 8-6-1927 sau khi Chiêu hồn nước được in và phát hành từ tháng 3-1927. Còn cụ cử Lương Văn Can thì mất sáng 13-6-1927.
Cái chết của cử Can được Hà thành ngọ báo, số 35, ra ngày 13-6-1927 đưa tin: “Cụ cử Lương tạ thế”, trong đó có câu: “Bản báo được tin buồn rằng cử Lương Văn Can mới tạ thế sáng hôm nay tại quý xá phố Hàng Đào số nhà 4 tỉnh Hanoi”.
Án tù của thiếu niên làm thơ yêu nước
Vụ án xử cậu thanh niên Phạm Tất Đắc, thu hút sự chú ý của công luận lắm nên dạo ấy, các báo như Thực nghiệp dân báo, Tiếng dân, Hà thành ngọ báo… đều có đưa tin.
Án Phạm Tất Đắc được xử ở Tòa Trừng trị. Trong phiên tòa được mở sáng 8-6-1927, Hà thành ngọ báo số 31 ra cùng ngày đã tường thuật khá chi tiết phiên xét xử.
Hà thành ngọ báo, số 39, ra ngày 17-6-1927 tường thuật vụ xử Phạm Tất Đắc ở Tòa Trừng trị. Ảnh: TƯ LIỆU
Theo đó, từ 7 giờ công chúng đã đến dự khán đông nghịt với thành phần chủ yếu là nam nữ học sinh. 8 giờ 45, Phạm Tất Đắc và Lê Cương Đồng được giải tới. Phiên tòa mở lúc 8 giờ 50 với Quan chánh Gaye làm chủ tọa, Quanh chánh Dumoulin làm Biện lý thay cho Biện lý Paul bị mệt.
Tuy nhiên, sau đó Gaye tuyên bố hoãn phiên xử vì Biện lý Paul bị mệt. Hai trạng sư Bona và Mansohn xin tạm tha cho hai bị cáo nhưng đơn thỉnh cầu bị bác.
Đến ngày 15-6 tòa mở lại, Hà thành ngọ báo đã tường thuật phiên xử trong hai số báo 37 và 38 ở phần “Tin nước nhà” với phần tranh biện hết sức gay gắt giữa bị cáo cùng chủ tọa, biện lý phiên tòa.
Chánh án phiên tòa đọc cáo trạng, nêu rõ Phạm Tất Đắc: “Can phạm về hồi tháng ba làm quyển Chiêu hồn nước để làm náo động, sui [xui] người khởi loạn”.
Đáp lại, Đắc dùng tiếng Pháp phản bác cáo trạng, rằng sách làm ra cốt là “Để công kích cái chế độ cai trị ức bách dân Annam”.
Tiếp theo là phần xét hỏi Lê Cương Đồng, tòa khép tội Đồng là đồng lõa với Đắc vì biết đó là sách chính trị mà vẫn in. Đối lại, Đồng phản bác cho rằng sách đó là sách luân lý nên mới in.
Tòa lại chuyển qua xét hỏi Đắc về nội dung của Chiêu hồn nước. Để khép tội cậu thiếu niên 17 tuổi, chánh án hạch hỏi từng câu, từng chữ trong bài thơ mà tòa cho rằng đã có ý chính trị, phản đối chính quyền. Nào là “nghiến răng” (trong câu Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng) là gì? Câu: Chết cho nước da ngựa bọc thây là sao?…
Trả lời những câu hỏi trên, Đắc xin dùng tiếng ta giãi bày cho rõ và phản bác hết cả những lời kết tội dựa vào câu chữ trong thơ. Tỉ như khi tòa hỏi: “Trong sách anh có khuyên người là muốn cho nước Văn minh thời phải vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, bố mẹ bỏ con, con lìa phụ mẫu là nghĩa làm sao?”.
Đắc đáp: “Bỏ đây là bỏ về đường “tinh thần” chứ không phải bỏ về đường “vật chất”. Thí dụ như tôi bây giờ muốn cho nước tôi văn minh thời tôi phải lìa cha mẹ anh em đi học máy móc mà sáng chế ra; tôi phải quên tình phụ tử thời mới đạt tới mục đích”.
Khi xét hỏi Đồng, tòa kết tội in sách chính trị, in sách không xin phép nhà nước… M. Bertrand đại diện sở Cẩm cũng được gọi tới trình bày về việc phát hiện sách Chiêu hồn nước lưu hành.
Đến lúc kết tội, Biện lý Paul quy Đắc tội chỉ trích người Tây qua Chiêu hồn nước và đề nghị kết tội Đắc thật nặng để làm gương hoặc phải lưu Đắc ở nơi mà Đắc không giao thiệp được với ai.
Bào chữa cho thân chủ, trạng sư Masohn rồi Bona lấy lý cãi cho Đắc và Đồng rồi xin tòa tha cho hai bị can hoặc có phạt thì cho hưởng án treo.
Phiên tòa diễn ra nguyên cả buổi sáng đến 12 giờ 30 mới xong. Chánh án cho dừng phiên tòa để nghị án.
Đến sáng hôm sau, vẫn theo Hà thành ngọ báo số 39, ra ngày 17-6-1927 đưa tin, Phạm Tất Đắc được tòa tha bổng vì “Xét cậu làm quyển sách ấy vốn khờ dại không biết điều phải trái”. Tuy nhiên, Đắc vẫn bị giam vào nhà trừng giới cho đến khi trưởng thành, tức 20 tuổi. Mẩu tin ấy nguyên văn như sau:
“Hồi 10 giờ rưỡi sáng nay thốt nhiên Tòa Trừng trị họp do Quan Chánh Gaye chủ tọa và quan Biện lý Paul giúp việc, tuyên tha cho M. Phạm Tất Đắc vì xét cậu làm quyển sách ấy vốn khờ dại không biết điều phải trái nhưng giam cậu vào nhà Trừng trị cho đến tuổi trưởng thành nghĩa là đến năm cậu 20 tuổi.
Còn M. Lê Cương Đồng, thời tòa phạt sáu tháng tù về tội a tòng với M. Đắc. Phiên tòa này là phiên bất thường nên công chúng không ai biết cả. Tòa tuyên xong án này thời giải tán ngay”.
Báo Tiếng dân, số 2, ra ngày 2-8-1927 tường thuật phiên xử Phạm Tất Đắc ở Tòa Thượng thẩm. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhưng vụ án Chiêu hồn nước chưa kết thúc ở đây. Ngày 21-6, Đắc chống án, quan chưởng lý cũng ký giấy chống án này ngày 25-6.
Gần hai tháng sau, như tường thuật trên báo Tiếng dân, số 2, ra ngày 2-8-1927 và Hà thành ngọ báo số 76 ra cùng ngày cho hay vụ án được xử lại bởi Tòa Thượng thẩm trong buổi sáng.
Đến 3 giờ chiều, tòa tuyên án, kết quả Đắc bị giam ở nhà trừng giới cho đến năm 21 tuổi, còn Đồng bị án sáu tháng tù.
Vụ án Chiêu hồn nước đã thu hút sự quan tâm thực sự của công luận dạo ấy. Dẫu chủ bài thơ bị án tù giam nhưng ảnh hưởng tinh thần của Chiêu hồn nước là không thể phủ nhận.
Bài thơ đã góp cùng với những sự kiện liên tiếp dạo ấy như để tang Phan Châu Trinh, Lương Văn Can… cổ vũ lòng yêu nước của người dân, như hai câu thơ trong Chiêu hồn nước có ghi:
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với gian san nước nhà.