Henriette Bùi Quang Chiêu - Nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam

Lịch sử nền y học nước Việt đã có từ lâu đời. Trong đó có nhiều tên tuổi đã đóng góp vào sự phát triển của nghề “lương y như từ mẫu” như Trâu Canh, “thánh thuốc nam” Tuệ Tĩnh thời Trần, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thời Hậu Lê…

Trước khi có Tây y giúp việc chữa bệnh, dân ta đặt hết sinh mạng của mình vào thầy lang, bà đỡ cùng thuốc Nam, thuốc Bắc. Nhưng rồi Pháp sang, hệ thống y bác sĩ, bệnh xá lần hồi mọc lên, người Việt cũng theo đó mà tiếp cận với Tây y. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của nước ta.

Nữ bác sĩ người Việt đầu tiên

Henriette Bùi Quang Chiêu (thứ hai từ trái sang) bên gia đình năm 1921 tại Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh tư liệu

Về xuất thân của bà, chẳng cần nói đâu xa, bà là con của một nhân vật có tiếng ở nước Việt, nhất là Nam Kỳ trước 1945, ấy là ông Bùi Quang Chiêu.

Như tiểu sử của ông Chiêu được Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945 - Nguyễn Duy Oanh) ghi lại, ông Chiêu từng du học Pháp, là kỹ sư canh nông.

Riêng đường chính trị, ông tham gia lập Đảng Lập hiến, đòi tự do báo chí, đòi bình đẳng cho người bản xứ và cũng giúp nhiều du học sinh sang Pháp du học…

Trong bài viết “Nữ bác sĩ người Việt đầu tiên là ai?” (Trần Đình Ba) trên báo Thời đại, số 482 ra ngày 3-9-2018, cho hay là con của một chính trị gia nổi tiếng đất Nam Kỳ lúc bấy giờ, lại có quốc tịch Pháp, nên Henriette được ăn học đầy đủ, theo nền giáo dục Pháp Việt tân tiến và sau này bà du học nơi đất Pháp để rồi trở thành vị nữ bác sĩ đầu tiên của nước Việt ta.

Khi còn nhỏ, Henriette được theo học Trường Saint Paul de Chartres (trường Nhà Trắng) tại Sài Gòn. Năm 1915, Henriette nhận bằng Certificat d'Études rồi vào học trường Collège des Jeunes Filles, tức Trường Trung học Gia Long, trường Áo Tím sau này, mà nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận 3, TP.HCM.

Henriette Bùi Quang Chiêu thời sinh viên y khoa. Ảnh tư liệu

Con đường đến với lĩnh vực y khoa của Henriette được đánh dấu khi cô gái trẻ sang Pháp du học và duyên lành với nghề chữa bệnh cứu người của Henriette, là từ sự nối bước người anh Louis Bùi Quang Chiêu, vốn là một bác sĩ chuyên về bệnh ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn.

Do đó sau khi tốt nghiệp bậc trung học tại Trường Lycée Fenelon ở Paris vào năm 1926, năm sau Henriette đã trở thành cô sinh viên An Nam tại ĐH Y khoa Paris.

Dành cả tuổi thanh xuân cho việc học, sau bảy năm miệt mài nơi ghế giảng đường và trong phòng thí nghiệm, cô gái Á Đông Henriette tốt nghiệp với luận án đạt loại xuất sắc vào năm 1934.

Bản luận án được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương. Một vinh dự hiếm có dành cho nữ sinh viên đến từ đất nước An Nam xa xôi.

Đám cưới của Henriette Bùi Quang Chiêu. Ảnh tư liệu

Với tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Henriette về nước và bắt đầu bước vào con đường lập nghiệp trong lĩnh vực y tế, nơi mà ở đó, đội ngũ y bác sĩ người Việt còn hiếm hoi, chứ chưa nói đến là nữ bác sĩ.

Bên cạnh đó là cả sự coi thường của những đồng nghiệp Pháp với đồng nghiệp Việt lúc bấy giờ, gần như ở bất kỳ lĩnh vực nào. Năm 1935, ở tuổi 29, Henriette nhận chức trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn.

Vượt mọi định kiến, đòi lẽ công bằng

Bước chân vào nghề là lúc Henriette đem tâm huyết cùng kiến thức chuyên môn của mình và tình yêu với nghiệp cứu người để tham gia vào nghề “từ mẫu” giữa lúc nền y tế nước Việt còn mang nặng tính cổ truyền.

Người dân phần nhiều còn xa lạ với nhà thương, bệnh xá cũng như phương pháp chữa bệnh khoa học bằng Tây y. Và đâu chỉ thế, bà còn đối diện với nhiều khó khăn khác từ chính nghề của mình bởi chính những đồng nghiệp khác màu da.

Dạo ấy, nước nhà bị người Pháp đô hộ, nên trong con mắt của người Pháp với người An Nam cũng có những phân biệt hẹp hòi. Sự kỳ thị, khinh miệt từ những đồng nghiệp người Pháp với đồng nghiệp An Nam; sự bất công về tiền lương cho y bác sĩ Việt so với đồng nghiệp Pháp,...

Tất cả những điều đó, Henriette đều vượt qua bằng lòng yêu nghề và sự tự tôn dân tộc, bằng sự đấu tranh trực diện với cấp trên để yêu cầu những quyền lợi chính đáng cho y bác sĩ Việt, cho bệnh nhân người Việt.

Henriette Bùi Quang Chiêu. Ảnh tư liệu

Tỉ như có lần giám đốc bệnh viện là người Pháp, đã yêu cầu bà phải mặc váy đầm với lý do như thế mới nhận được sự kính trọng và bình đẳng hơn trong mắt đồng nghiệp người Pháp, nếu không bà sẽ bị lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa.

Tuy nhiên, với lòng tự trọng của bản thân, lòng tự tôn dân tộc, bà khước từ yêu cầu ấy mà vẫn ăn mặc như một người Việt Nam.

Trong quãng đời 44 năm gắn bó với nghề y, Henriette lúc làm việc ở Việt Nam, lúc sang Pháp hành nghề. Bà còn nâng cao tay nghề khi sang Nhật Bản năm 1957 học châm cứu để áp dụng có hiệu quả cho ngành sản khoa. Đến năm 1961, Henriette sang Pháp sinh sống và tiếp tục nghề y với phòng mạch của mình. 

Sau này khi về nước, năm 1970, bà tình nguyện phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ rồi năm 1971, bà lại sang lại Pháp tiếp tục làm nghề y đến năm 1976. Bà mất vào ngày 27-4-2012 tại Paris, thọ 106 tuổi.

Không chỉ tận tâm với nghề, Henriette còn hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường ĐH Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Nơi ấy, nay là địa điểm thuộc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, TP.HCM.

Biệt thự tư gia của Henriette Bùi Quang Chiêu ở số 28 đường Testard. Ảnh tư liệu

Về phần đời riêng, Henriette qua sự sắp đặt của cha, đã kết duyên với luật sư Vương Quang Nhường, đảng viên của Đảng Lập hiến. Cuộc hôn nhân này đã thu hút sự chú ý của dư luận lúc đó. Thế nhưng vì không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống, thiếu sự chia sẻ nên duyên cầm sắt cũng chỉ có hai năm, hai người chia tay năm 1937.

Sau này khi ở Pháp đầu thập niên 1960, bà gá nghĩa với ông Nguyễn Ngọc Bích trong tình yêu đến từ hai phía. Tiếc rằng, ông Bích bị ung thư vòm họng rồi mất vài năm sau khi hai người thành vợ chồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm