Dù xuất bản trong ngục tù nhưng cũng như bao tờ báo thông thường khác, Suối reo có đầy đủ ban biên tập, cộng tác viên cùng nhiều chuyên mục, thể loại hấp dẫn.
Suối reo năm ấy
Theo hồi ức Suối reo năm ấy của Xuân Thủy, báo có khổ 20 x 14 cm, mỗi tháng xuất bản hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số.
Nhân những dịp lễ lớn, báo ra cả số đặc biệt, như dịp năm 1942 có cả số báo tết kết hợp với chương trình đón tết, ngâm thơ; hay năm 1943 ra số kỷ niệm ngày thành lập Đảng.
Di tích nhà tù Sơn La. Ảnh: Tư liệu
Và dĩ nhiên trong hoàn cảnh tù đày, đến bút viết, giấy viết còn thiếu thì làm sao in ấn được như các báo xuất bản thông thường đến với độc giả từ nhà in.Suối reo bởi thế là tờ báo viết tay trên nền giấy thường.
Việc ra đời tờ Suối reo được Đặng Việt Lâm, người từng viết cho báo cho hay đây là chủ trương của Đảng bộ nhà tù Sơn La “nhằm góp phần động viên, giáo dục tinh thần đoàn kết phấn đấu trong anh em”; hay như lời Xuân Thủy là “nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù trên bước đường phấn đấu”.
Nhà báo Xuân Thủy, phụ trách tờ Suối reo. Nguồn ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân Online
Về tôn chỉ hoạt động của Suối reo đúc kết trong bốn câu thơ thay lời tựa của Xuân Thủy, người phụ trách báo:
Thu sang hoa cỏ già rồi
Suối reo lên để cho đời trẻ trung;
Thu sang non nước lạnh lùng,
Suối reo lên để cho lòng ta reo.
Báo ra số đầu tiên đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Ban biên tập báo Suối reo do Xuân Thủy đứng đầu, cộng tác viên là những cây bút trong tù đã kinh qua nghề báo hoặc không chuyên nhưng có khả năng viết, sáng tác.
Một vài cây bút viết cho Suối reo có thể kể ra một số tên tuổi như Xuân Thủy, Trần Huy Liệu (bút danh Cù Văn Cười, Cù Không Cười), Đặng Việt Lâm (chuyên viết thơ với các bài Vào trại giam, Chiều về Mường Bú, Lập bô táo quân… bút danh H.T).
Về mặt nội dung, Suối reo gồm các bài xã luận đấu tranh, tuyên truyền chính trị, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ vui… là món ăn tinh thần cho tù nhân chính trị ở nhà tù Sơn La. Đề tài viết báo có thể là từ chính hành vi, cử chỉ gây hài của anh em bạn tù hợp với bài biếm, hài hước; hoặc có thể là cô gái Thái Sơn La cho các bài văn lãng mạn…
Việc đọc Suối reo thật không dễ dàng gì trong điều kiện tù đày. Báo viết tay nên việc xuất bản về mặt số lượng là hạn chế khi mà giấy bút thiếu thốn, cai ngục kiểm soát gắt gao. Do đó việc đọc báo cũng phải bí mật, lại phải làm sao khéo léo chuyển qua các phòng giam. Báo được đọc vào buổi tối sau khi giám thị đã đi kiểm tra và khóa cửa phòng giam, một người sẽ đọc cho mọi người cùng nghe.
Kỳ công làm báo trong tù
Việc xuất bản báo thủ công lại ở trong tù nên vất vả lắm lắm. Trong hồi ức của Xuân Thủy, cái cảnh xuất bản tờ báo thật hiếm nơi đâu có được.
Theo quy định của nhà tù Sơn La, 20 giờ là đèn điện các trại giam phải tắt hết, trừ đèn nhà xí của trại giam và đèn ngoài trại giam.
Đêm tối chính là thời gian xuất bản Suối reo. Những tay viết, tay vẽ, tay trình bày làm việc tới 3 giờ sáng dưới ánh sáng ngọn đèn được mắc vào xó tường đã bịt hết ánh sáng không cho tỏa ra ngoài; và luôn có người canh cửa để báo động khi cần. Có lúc nơi viết, in ấn là… nhà xí nếu cai ngục kiểm tra gắt gao, nhất là vào những dịp lễ.
Theo Trần Huy Liệu trong bài viết Xuân nở trong tù, báo Suối reo được xuất bản ở dạng tuần báo (khác với thông tin là bán nguyệt san của Xuân Thủy), ra đời vào năm 1940.
Trần Huy Liệu, tham gia làm báo Suối reo. Ảnh: Tư liệu
Nhưng trong Hồi ký Trần Huy Liệu, nhà cách mạng họ Trần lại đưa ra một thông tin khác với mốc thời gian ra đời của báo là vào mùa đông năm 1941. Điểm này có phần xác tín hơn vì đối chiếu với thông tin của Xuân Thủy thì ông bị đày lên nhà tù Sơn La lần thứ hai vào năm 1941. Và Xuân Thủy là người phụ trách báo ngay từ buổi đầu khai sinh báo.
Cái tên của tờ báo được Trần Huy Liệu cho hay là bởi không thể chọn một cái tên nào khả dĩ có tính địa phương cho tờ báo. Nơi đất Sơn La “Chỉ có suối là vẫn đẹp, vẫn vui mặc dầu rất thường, đi đâu, ở đâu cũng thấy suối. Mùa đông suối lạnh, nhưng càng trong. Tờ báo lại bắt đầu xuất bản vào mùa đông giữa những đìu hiu của cảnh vật và mầu xám của nhà tù. Kết luận, tôi và mấy anh em phụ trách đều đồng ý ở cái tên tờ báo Tiếng suối reo [Trần Huy Liệu nhớ tên báo là “Tiếng suối reo” chứ không phải “Suối reo”]”.
Dù hoàn cảnh tù đày, việc làm báo thiếu thốn, vất vả đủ bề nhưng báo vẫn có ban biên tập để biên tập nội dung của báo cho đúng tôn chỉ, mục đích. Đơn cử như dịp ra báo Suối reo năm 1943 nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng (trước Đại hội Đảng lần thứ III vào năm 1960, ngày kỷ niệm thành lập Đảng là ngày 6-1), ban biên tập nhận được bài thơ, trong đó có những câu:
Tiếng Đảng ta nghe gọi,
Cờ Đảng ta đi theo,
Muôn năm ta chúc Đảng!
Muôn năm chúc Suối Reo!
Sau khi đọc, bàn đi tính lại, ban biên tập lấn cấn với câu chúc Suối reo vì chúc thế thì có khác gì “tác giả chúc cái tờ Suối reo gắn liền với cái nhà tù này muôn năm sống mãi hay sao?”. Vậy là Xuân Thủy sửa lại hai câu sau thành Chúc mừng ngày sinh Đảng/ Lòng ta như Suối reo.
Thế mới thấy làm báo trong tù, lại là báo chính trị, cũng phải gạn lọc câu chữ ghê gớm lắm chứ không vì hoàn cảnh mà tắc trách, vội vàng cho được. Mà lần ấy, báo Suối reo dày tới hơn 60 trang với nhiều bài thơ có, câu đối có… quả là một kỳ công của những người làm báo trong tù.
Tù nhân sinh hoạt trong nhà tù Sơn La. Ảnh: taybacsensetravel.com
Ký ức về báo viết tay Suối reo vẫn còn in đậm trong những người trực tiếp thực hiện tờ báo. Nhưng vì hoàn cảnh tù đày, tờ báo viết tay thuở ấy chỉ còn lại trong ghi chép của những người cách mạng ở nhà tù Sơn La.
Hiện nay, khi xem một số sách nghiên cứu, thư mục báo chí như Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (Huỳnh Văn Tòng), Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa), Thư tịch báo chí Việt Nam (Tô Huy Rứa chủ biên) chúng tôi không thấy có tên Suối reo.
Thảng chỉ có Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945 (Đỗ Quang Hưng chủ biên) điểm tên hay Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) thống kê. Điều đó cho thấy tờ báo cách mạng viết tay trong nhà tù Sơn La một thuở, không phải ai cũng được tỏ tường thông tin.